Từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở học sinh phải sơn màu vàng đậm và có biển báo
Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm. Đồng thời, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng yêu cầu gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:
“Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh
Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;
– Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định nêu trên, yêu cầu mà xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng:
– Bảo đảm các điều kiện quy định:
+ Tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
++ Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;
++ Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
– Có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe;
– Có niên hạn sử dụng không quá 20 năm;
– Có màu sơn theo quy định của Chính phủ;
– Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh
Thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải tối đa là bao nhiêu?
Theo Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như sau:
“Thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ
Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này”.
Theo đó, thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải tối đa là không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động 2019.