Nghị định mới không phải để phạt được nhiều, mà mong muốn lớn nhất là giúp hạn chế các vi phạm giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nút giao Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi (Hà Nội) trước đây thường là điểm nóng về việc không chấp hành đèn tín hiệu, nay đã trở nên ngăn nắp từ khi nghị định 168/2024 có hiệu lực – Ảnh: HỒNG QUANG
Ngày 7-1, Tuổi Trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với đại diện Cục Cảnh sát giao thông xung quanh việc tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định 168/2024 của Chính phủ.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) – nêu rõ việc ban hành nghị định 168 nhằm triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ 1-1-2025.
Ông cũng giải đáp cặn kẽ những vấn đề mà rất nhiều người dân thắc mắc, gửi đến buổi giao lưu, trong đó có nội dung trả “tiền thưởng” cho người báo tin vi phạm.
Tuổi Trẻ xin nêu lại các điểm chính được nhiều bạn đọc quan tâm.
Đèn tín hiệu lỗi, nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Ảnh: HỒNG QUANG
Có những cột đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, đang xanh bỗng chuyển sang đỏ hay nhường đường cho xe ưu tiên nhưng ảnh chụp báo vi phạm không có xe ưu tiên. Việc này khiến nhiều người lo ngại đi đường có thể bị phạt oan.
Đại tá Nhật nêu hiện nay hệ thống đèn tín hiệu có hai nhóm gồm: có chốt đèn thủ công đời cũ và đèn tín hiệu được điều khiển tại trung tâm chỉ huy… Dù thực hiện thế nào thì đây vẫn là thiết bị điện tử và đều có nguy cơ xảy ra sự cố, lỗi, cần hiệu chỉnh. Những phản ánh của người dân không phải không có cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Nhật, người dân không nên quá lo lắng bởi khi lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp quan sát hành vi vi phạm hay qua hệ thống giám sát, hình ảnh và clip người dân cung cấp đều phải có sự xác minh. Việc xác minh sẽ xem vi phạm này là hoàn toàn do vi phạm hay do lỗi đèn hay do tránh các xe ưu tiên hoặc thực hiện các hành động cấp thiết, các lý do khác không phải vi phạm hành chính.
Nếu lỗi do chu kỳ đèn thì không có chuyện xử lý vi phạm. Việc xử lý làm sao để người dân “tâm phục khẩu phục”, không bừa bãi. Người ra quyết định xử phạt sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt của mình và người dân có quyền giải trình với cơ quan chức năng. Nếu không thỏa mãn với quyết định xử phạt, người dân còn có quyền khiếu nại, khởi kiện. Nếu xử lý sai là không thực hiện đúng quy định pháp luật.
Vì sao có quy định trừ điểm nhưng tài xế vẫn bị tước bằng lái?
Đại tá Nhật nêu nghị định 168 đã quy định với các hành vi vi phạm đặc biệt nguy hiểm như vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, lạng lách, đánh võng, chạy xe tốc độ rất cao… Với các hành vi này sẽ bị tước bằng lái xe, có thể lên tới 22 – 24 tháng.
Còn với những hành vi nguy hiểm mức thấp hơn thì bị trừ điểm giấy phép lái xe, thấp nhất là 2 điểm, cao nhất là 10 điểm. Tùy thuộc tính chất, mức độ từng hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và các biện pháp khác như trừ điểm, tước giấy phép lái xe…
Cũng theo ông Nhật, trừ điểm giấy phép lái xe sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với tài xế. Trong đó với hành vi vi phạm nồng độ cồn như quy định cũ, dù ở bất cứ mức nào tài xế cũng sẽ bị tước giấy phép lái xe với thời gian nhất định. Khi vi phạm tài xế có thể chưa ý thức được, nhưng hôm sau tỉnh táo sẽ ý thức được việc không điều khiển được xe trong thời gian rất dài.
Đồng thời việc tước giấy phép lái xe cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người dùng xe làm nghề nuôi sống gia đình. Chưa kể thực tế có trường hợp người bị tước giấy phép lái xe nhưng vẫn lái xe, tiếp tục gây tai nạn. Khi đó không chỉ tài xế bị xử lý hình sự mà người quản lý của đơn vị vận tải cũng bị xử lý với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe.
Với quy định ở nghị định 168, khi vi phạm mức 1, 2 về nồng độ cồn, tài xế sẽ chỉ bị trừ điểm giấy phép lái xe. Khi trừ điểm vẫn sẽ là sự cảnh báo với tài xế và chắc chắn ngày mai khi sử dụng rượu bia họ sẽ không dám lái xe mà sử dụng các phương tiện công cộng, taxi… Việc này cũng giúp cho tài xế tiếp tục hành nghề để nuôi sống gia đình.
Còn những người vẫn cố tình bất chấp, vi phạm ở mức cao nhất sẽ bị tước giấy phép lái xe. Đó là sự nhân văn nhưng cũng nghiêm khắc của pháp luật với các hành vi vi phạm.
Bỏ xe khi bị phạt: không được cấp đổi bằng lái, bị xử lý nặng
Một hình ảnh hiếm thấy trong giao thông tại Hà Nội: xe cộ trên đường vành đai 2 (Hà Nội) dừng thẳng tắp trước vạch chờ đèn đỏ – Ảnh: HỒNG QUANG
Nhiều người dân cho rằng mức phạt tại nghị định 168 quá cao, cao hơn cả giá trị chiếc xe đang đi. Do vậy nhiều người có ý định bỏ xe (công an phải lưu giữ), không nộp phạt. Ông Nhật cho hay đã có thực tế này và để giải quyết, khi đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ lập hội đồng sung công và bán thanh lý xe, nộp tiền vào ngân sách.
Cũng theo ông Nhật, việc tạm giữ xe là để xác minh và ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi, trên hệ thống quản lý của cảnh sát giao thông đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ không đến xử lý thì sẽ không có giấy phép lái xe và sẽ không có quyền lái xe.
Nghị định 168 xây dựng trên thực tế
Để xây dựng nghị định 168, đại tá Nhật nêu rõ đã tham khảo những kinh nghiệm quốc tế, của các quốc gia có hệ thống giao thông phát triển và ý thức người tham gia giao thông cao.
Tùy theo các quy định, mức độ quản lý, các quốc gia đều có quy định khác nhau song đều rất nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm giao thông. Trong đó có quốc gia phạt tiền kèm theo hình thức phạt tù. Như ở bang Alabama (Mỹ), khi vượt đèn đỏ mức phạt tiền là 500 USD (tương đương 12,7 triệu đồng) và 3 tháng tù.
Còn tại bang Arkansas, Oklahoma… có thể phạt tù lên đến 6 tháng, trừ điểm giấy phép lái xe, phạt tiền. Ngoài ra tài xế vi phạm sẽ bị tăng mức bảo hiểm, lãi suất ngân hàng… đồng thời cũng nghiên cứu từ thực tiễn, thực trạng giao thông đường bộ hiện nay ở Việt Nam.
“Thực tế vừa qua một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn bất chấp các quy định, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn ngang nhiên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Như tại các nút giao xuất hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, đi ngược chiều, đi sai phần đường, làn đường, thậm chí đi ngược chiều trên cao tốc, dừng đỗ tùy tiện, quay đầu xe nơi phương tiện lưu thông tốc độ cao, nguy hiểm, vi phạm nồng độ cồn…
Thêm vào đó là tình trạng lạng lách, đánh võng… trên đường phố. Chúng tôi đánh giá tai nạn giao thông xuất phát từ các hành vi này có tính nguy hiểm cao”, ông Nhật chia sẻ.
Chính vì vậy, để thiết lập tư duy, thói quen tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, Chính phủ đã ban hành nghị định 168. Trong nghị định đã nâng mức xử phạt cao hơn so với nghị định 100 (sửa đổi bằng nghị định 123).
Đồng thời đưa ra các quy định về tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện với các trường hợp tái phạm nguy hiểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Tạo ra những hình ảnh đẹp giao thông
“Sau một tuần triển khai nghị định 168 thấy rất khả quan. Từ ngày 1-1-2025, người dân ra đường rất có ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông, tình hình giao thông cải thiện rõ rệt. Thêm vào đó thấy vừa qua có một bức tranh chưa từng có ở Hà Nội và TP.HCM, khi những hình ảnh đẹp của xe xếp hàng rất ngăn nắp trước vạch dừng đèn tín hiệu”, ông Nhật chia sẻ.
Ông Nhật nói rằng dù quy định xử phạt rất nghiêm khắc nhưng lượng vi phạm bị phát hiện vẫn còn cao, chứng tỏ cần tiếp tục kiên trì duy trì đồng bộ các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm. Với các quy định mới cộng với sự đồng tình của cả xã hội, hy vọng rằng khi đó tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ có nề nếp hơn.
“Ở đây phải khẳng định việc ban hành nghị định này không phải mong muốn xử phạt, phạt được nhiều, mà mong muốn lớn nhất là từ các quy định này giúp hạn chế các vi phạm giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về con người, giúp mọi người đi đến nơi về đến chốn và làm sao để từ việc xử lý một vụ việc, một trường hợp nhưng lan tỏa ra cả vùng, để mọi người cùng có nhận thức. Từ đó xã hội có ý thức, văn hóa chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông”, ông Nhật nói.