Vượt qua nghịch cảnh mồ côi, Trâm vươn lên học giỏi. Giờ đây Trâm đỗ đại học, nhưng con đường đến giảng đường còn nhiều chông gai với cô gái vốn đã chịu nhiều thiệt thòi từ bé.

Những ngày này, nhiều cô cậu tân sinh viên trên cả nước được bố mẹ đưa đi sắm sửa nhiều đồ dùng, dụng cụ, quần áo mới để đến trường nhập học. Còn Hồ Thị Bích Trâm (18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn còn miệt mài với công việc làm thêm ở quán cà phê.

“Em gắng làm thêm đủ 10 ngày để nhận lương, có tiền mà trang trải chuyện học phí” – Trâm tâm sự.

Mồ côi cha mẹ từ lúc hơn một tuổi

Đi sâu vào căn hẻm nhỏ ở phường 2 (TP Tuy Hòa), giữa những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, mái ấm của Trâm lẻ loi với dáng vẻ cũ kỹ, xuống cấp. Bước vào nhà, bức tường đã hoen ố theo thời gian, nhìn quanh chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen về thành tích học tập của Trâm.

Trâm sống cùng bà ngoại đã 84 tuổi với bước đi chậm chạp, đôi lúc, bà phải nhờ sự trợ giúp của đứa cháu gái.

“Lớn tuổi rồi, mấy năm nay tôi trở nên chậm chạp, bệnh tật, chứ trước đây một tay tui nuôi nó lớn đó. Hồi Trâm mới 21 tháng tuổi, ba mẹ nó đều qua đời trong một tai nạn giao thông” – bà Nguyễn Thị Ngọc Liên kể lại.

Khó khăn giăng lối đến giảng đường đại học của nữ sinh mồ côi cha mẹ - 1

Gia cảnh khó khăn nên tuổi thơ của Trâm thiệt thòi hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Đối với Trâm, những món ăn đường phố, ly trà sữa, trà chanh cũng là thứ xa xỉ chỉ được thưởng thức vào dịp lễ tết. Còn đồ dùng mà em có, hầu như đều là đồ cũ, được mọi người cho tặng.

“Em ít khi có đồ mới. Hầu như đồ em dùng đều được mọi người thương tặng cho. Riêng chiếc xe đạp điện này có một đơn vị tài trợ tiền, em mua cũ lại với giá 4,5 triệu đồng, đi được thời gian, bình hỏng đành phải để ở nhà vì không có tiền sửa chữa” – Trâm tâm sự.

Mặc dù thiếu thốn là vậy nhưng Trâm chưa bao giờ chểnh mảng việc học hành, với thành tích 11/12 năm học sinh giỏi. Em còn là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi môn sử ở trường.

Khó khăn giăng lối đến giảng đường đại học của nữ sinh mồ côi cha mẹ - 2

Cô Lê Hoàng Thảo Ly, giáo viên chủ nhiệm cả 3 năm THPT của Hồ Thị Bích Trâm ở Trường THPT Nguyễn Huệ, nhận xét: “Trâm là một học sinh ngoan ở lớp với thành tích học tập rất tốt. Theo tôi em ấy là một tấm gương nghị lực vượt khó. Ngoài học tập tốt em ấy còn làm nhiều công việc để phụ giúp bà ngoại tuổi đã già yếu.

Với những gì em ấy đang cố gắng, tôi mong sao sẽ có những tấm lòng của mạnh thường quân dang tay giúp đỡ, để Trâm có thể hoàn thành ước mơ chinh phục giảng đường đại học của mình” – cô Ly mong muốn.

Đỗ đại học Bách khoa Đà Nẵng

Là một đứa trẻ mồ côi nên Trâm luôn ý thức được về chuyện kinh tế eo hẹp của gia đình, vì vậy mỗi dịp hè đến là thời gian em cố gắng đi làm thêm kiếm tiền dành dụm để “nuôi giấc mơ” học đại học.

“Vừa thi THPT xong là em xin làm phục vụ ở một quán cà phê ngay, có hôm em làm 3 ca từ sáng sớm tối mới về. Tiền thù lao mỗi tháng chỉ 3 triệu đồng, em cũng không dám tiêu một đồng nào mà gửi cho ngoại để dành lo chuyện học hành” – Trâm kể.

Mới đây, sau bao ngày trông đợi, Trâm đã nhận được giấy báo nhập học từ trường Bách Khoa Đà Nẵng chuyên ngành Công nghệ sinh học. Niềm vui chớm nở, lại vụt tắt vì Trâm biết chi phí ăn học trong 4 năm là không hề nhỏ.

Khó khăn giăng lối đến giảng đường đại học của nữ sinh mồ côi cha mẹ - 3

“Mấy năm nay ngoại dành dụm được chút ít để em đóng học phí và mua các vật dụng sinh hoạt trong học kỳ đầu. Còn các kỳ sau, em sẽ cố gắng vừa đi học, vừa làm thêm, mong sẽ vượt qua được khó khăn để được tiếp tục đến trường” – giọng buồn bã Trâm nói.

Bà Võ Thị Linh Trang – Phó Chủ tịch UBND Phường 2 – cho biết: “Gia đình em Trâm thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Trước việc em Trâm đậu đại học nhưng khó khăn về kinh phí, UBND phường đang tổ chức vận động các nhà hảo tâm doanh nghiệp trên địa bàn để giúp đỡ em. Về lâu dài cần sự hỗ trợ chung tay của cộng đồng”.