“Bé! Bé gọi mẹ ơi đi…”, bà Nga (52 tuổi, ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TPHCM) nói. Lúc này, bên góc phòng, Gia Anh cứ vùi đầu vào gối, e thẹn cười.
“Sau này lớn lên bé muốn làm gì? Bác sĩ hay giáo viên?…”, bà Nga tiếp tục nói.
“Mẹ không thể sống cả đời với bé được. Mai mốt còn mình bé, bé phải tự chăm sóc, biết đi tắm, ăn cơm, không đi đại tiện bậy trong nhà nữa nha…”, nói tới đây, chị Nga rưng rưng nước mắt, còn Gia Anh vẫn nhoẻn miệng cười, vùi đầu vào tấm lưng cong veo của mẹ.
Nụ cưới ấy có thể không phải vì thằng bé vui, thấu hiểu những lời mẹ nói, mà bởi hôm nay, trong căn phòng vắng lặng giữa nghĩa trang, có thêm vị khách lạ mặt.
Cứ thế, dù 12 tuổi nhưng thần trí Gia Anh chỉ dừng lại ở đứa trẻ lên 1. Hàng ngày, ngoài những tiếng ú ớ vu vơ, chị Nga chưa từng nghe được thêm bất kỳ lời yêu nào từ cậu con trai.
“Thôi chết rồi! Thằng bé này chị nuôi suốt đời”
Năm 2011, vợ chồng chị Nga may mắn hạ sinh đứa con trai đầu lòng dù ngoài 40 tuổi. Nghe tiếng đứa trẻ oa oa khóc, chân tay lành lặn cả, chị mừng thầm.
Khi sang tháng thứ 3, đứa trẻ từ từ mềm nhũn như cọng bún. Cũng kể từ đó, cột sống của Gia Anh không thể nào phát triển thêm. Linh tính mách chuyện không lành sắp xảy ra, chị Nga đã vội đưa con tới Bệnh viện Nhi Đồng 1.
“Bác sĩ nhìn qua đã bảo con trai chị mắc hội chứng down. Nghe tới đây, chị quỵ xuống, òa khóc…”, chị Nga nhớ lại.
Suốt nhiều tháng sau đó, vợ chồng chị Nga không còn dám nhìn thẳng vào nhau. Anh Nguyễn Văn Tiến vì đau lòng nên đã cạo trọc đầu để cầu mong con trai sống khỏe mạnh.
“Lúc đó, chị nhìn con khóc, đòi ăn, đòi uống mà đau lắm! Chẳng oán trách số phận, chị chỉ nghĩ ông trời cho trái nào chịu trái đấy. Con mình sinh ra là máu mủ của mình, nên dù con có thế nào chị vẫn cố gắng lo bằng được như những đứa trẻ khác”, người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ tâm sự.
Gia Anh lên 5 tuổi, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn khiến anh Tiến phải ra Bình Thuận tìm việc. Vài tháng anh mới về thăm con một lần.
Để đi kiếm tiền bằng công việc phụ hồ, chị Nga đành phải nhốt con ở một mình trong phòng trọ. Cứ buổi trưa đúng giờ nghỉ, chị lại tranh thủ chạy về mớm cháo cho con.
“Thời điểm đó, thằng bé chưa biết ăn uống. Có hôm bé đi đại tiện ngay giữa nhà rồi trây trét như con trâu đầm bùn. Tất cả mình đều phải chấp nhận để tiếp tục…”, chị Nga nói.
12 tuổi nhưng thần trí của Gia Anh vẫn như đứa trẻ lên 1.
Sau này để tiện chăm sóc con, chị Nga chuyển sang nghề chở thuê nước đá, nước ngọt giao cho đại lý.
Cách đây 8 năm, căn phòng nhỏ ẩm thấp khiến Gia Anh liên tục lên cơn động kinh, đập đầu vào tướng đến chảy máu. Có người mách, chị Nga liền ôm con đến nghĩa trang Bắc Hợp xin nương náu nhà tình thương. Nói là nhà nhưng thực chất nó là một căn trọ giữa nghĩa trang, diện tích khoảng 10 m2, bếp và toilet được đặt bên ngoài.
“Ban đầu cha xứ không có cho đâu vì nghĩ chị còn lành lặn. Đến khi nhìn thấy Gia Anh, ông hốt hoảng bảo: Thôi chết rồi! Thằng bé này chị nuôi suốt đời”, lời chị Nga.
Cuối cùng, cha xứ thương tình đã sắp xếp cho mẹ con chị Nga một căn phòng cùng với nhiều người già neo đơn.
Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chị Nga cùng con trai đã có chỗ che nắng che mưa trong nghĩa trang.
“Chỉ mong đến lúc mất được nghe tiếng: Mẹ ơi!”
Đến nay đã 8 năm hai mẹ con chị Nga tá túc trong căn nhà tình thương ở nghĩa trang Bắc Hợp. Do có nhiều người thương xót nên mỗi ngày chị đi làm luôn có ông Hoàng Mạnh Đức (người quét dọn nghĩa trang) và hàng xóm trông coi con giúp.
Một lần để con có cơ hội giao tiếp với mọi người xung quanh, chị Nga đã đến trường dạy trẻ khuyết tật để xin cho con học. Thế nhưng đáp lại mong mỏi của người mẹ chỉ là cái lắc đầu, bởi 12 tuổi, Gia Anh vẫn hoàn toàn không thể tự ăn, tự uống, tự tiểu tiện…
“Mắc bệnh down nặng nên Gia Anh như đứa trẻ 1 tuổi thôi! Cơm mẹ đút, nước bú bình, đại tiện thì chị không xử lý ngay sẽ đi ngay ra nhà. Để con không bị động kinh, nhà chị lúc nào cũng bật quay liên tục 3 cái quạt, đặt gối ôm khắp nhà. Có đêm con lên cơn, chị vẫn phải thức theo cùng”, người phụ nữ 52 tuổi tâm sự.
Căn phòng trọ giữa nghĩa trang, được dựng bằng tôn nên nóng bức, chị Nga phải bật quạt cả ngày để con không lên cơn động kinh.
Khổ cực trăm bề là thế, nhưng chị Nga bảo con chị vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác. Nếu những đứa trẻ khác lên cơn động kinh, hò hét, cào cấu cơ thể, làm khó cha mẹ… thì Gia Anh chỉ tủm tỉm cười nép bên mẹ. Đứa trẻ này chưa bao giờ khóc, chưa bao giờ đòi ba mẹ phải cho đồ chơi đẹp, đi chơi xa.
“Chị không biết con có hiểu lời mình nói không, nhưng gần đây lúc ngủ chị nói con lại cười. Đi làm ở đâu dặn dò con ở nhà ngoan, nó sẽ ngồi im…”, chị Nga trải lòng.
Dù mắc bệnh nhưng Gia Anh vẫn dành tình thương đặc biệt đối với cho mẹ.
Đôi bàn chân vì căn bệnh dần teo tóp khiến Gia Anh di chuyển khó khăn, xiêu vẹo. Mỗi lần ra đường, bước được một đoạn, chân đứa trẻ đã tụ máu bầm. Vì vậy, mỗi buổi chiều, chị Nga lại cõng con trên lưng hoặc đẩy trên chiếc xe lăn đưa con đi giữa những hàng mộ hóng mát.
Cách đây vài tháng, chị được chuẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiết niệu và sạn thận. Những di chứng đó có thể do bị ảnh hưởng từ việc vác đá lạnh. Cứ thế, dăm ba tuần chị Nga lại vào viện điều trị. Lúc này, cả căn nhà đều dựa vào bàn tay chồng và những người dưng chăm sóc.
“Ngày nào nằm viện là lòng chị chẳng bao giờ yên. Bây giờ, chị chỉ có 2 điều lo lắng. Thứ nhất, nếu chị chết trước con, không biết nó sống được không? Thứ 2, đến lúc đó, không biết Gia Anh có cho chị được nghe 2 tiếng mẹ ơi!…”, chị Nga nói với tâm trạng buồn rầu rồi lặng nhìn đứa con trai vẫn đang tủm tỉm cười.
Bên ngoài, những ánh nắng vàng tháng 9 vẫn vắt qua từng dãy mộ dài thênh thang.