Con trai cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển vào trường đại họa danh giá Thanh Hoa, bố mẹ hào hứng đăng bài trên mạng xã hội khoe thành tích nhưng kết cục lại không ai like.
Thời gian gần đây, nhiều thí sinh bắt đầu nhận được giấy báo trúng tuyển từ các trường đại học mà mình thi tuyển hoặc đăng ký nguyện vọng. Bỏ qua những trường hợp xuất sắc bảng vàng như thủ khoa với số điểm tuyệt đối toàn 10 hoặc chí ít cũng là những trường hợp điểm cao ngất ngưởng, các thí sinh khác chỉ cần cầm trên tay giấy báo trúng tuyển cũng đã vui mừng khôn xiết bất kể điểm loại giỏi hay trung bình.
Để đậu đại học, bản thân mỗi thí sinh cũng đã lọt qua hàng nghìn thí sinh khác, điều đó rất đáng để được khen ngợi. Chính vì vậy nhiều phụ huynh và học sinh sau khi nhận được tờ giấy báo trong mơ không khỏi hào hứng muốn khoe cho cả thế giới cùng biết.
Một thí sinh đậu đại học Thanh Hoa cười tit mắt với giấy báo trúng tuyển. Ảnh: Sohu
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc tận dụng các trang mạng xã hội đã không còn là đặc quyền của riêng giới trẻ. Ngay cả bố mẹ già cũng có thể tìm hiểu và sử dụng chúng.
Mới đây, một phụ huynh có con trai được đậu và trường đại học Thanh Hoa đã tỏ ra vui mừng khôn xiết. Ai cũng biết, ở Trung Quốc đây được xem là một trong những trường đại học hàng đầu với đầu vào vô cùng khốc liệt. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi cả gia đình đều xem đây là tin vui trọng đại. Mà đã là đại hỷ, đương nhiên không thể giấu, chỉ muốn khoe cho mọi người cùng biết.
Thế nên, mẹ của cậu học sinh đã ngay lập tức chụp lại ảnh con trai cười tít mắt bên tấm giấy báo trúng tuyển và đăng nó lên trang cá nhân để khoe với tất cả bạn bè và họ hàng. Gọi là chia sẻ niềm vui chung nhưng chắc hẳn ai trong hoàn cảnh của bà cũng mong nhận được những lợi khen ngợi, tán dương, chúc phúc từ những người thân, bạn bè hay người quen biết. Và đây cũng là chuyện chẳng phải xưa nay hiếm.
Cứ mỗi cuối học kỳ hoặc cuối năm học, nhà nhà lại nô nức chụp ảnh con cầm giấy khen, phần thưởng và báo cáo thành tích học tập của con lên các mạng xã hội mà mình tham gia. Ở đó, người theo dõi trang thường có mối quan hệ thân thiết, họ hàng hoặc quan hệ xã giao. Sẽ nở mày nở mặt biết bao nếu người người vào comment và cho vài lời chúc tụng “Con giỏi quá!”, “Đúng là hổ phụ sinh hổ tử”, “Con nhà mẹ A, bố B không bao giờ làm người khác phải thất vọng mà”…
Thế nhưng, điều mà người mẹ này không ngờ được là sau khi bài viết được đăng tải với niềm háo hức vô cùng thì chẳng mấy ai vào like ảnh hay để lại vài lời bình luận, chúc phúc. Mọi chuyện hoàn toàn khác với những gì mà bà mong đợi trước đó. Không chỉ buồn mà người mẹ này thậm chí còn cảm thấy chạnh lòng.
Trước đây, chụp choẹt vài ba cái ảnh ngoại cảnh, đăng lên trong mấy phút thì 1 vòng từ người thân, đến bạn bè tặng cho bà cả hàng trăm like. Còn bây giờ thì sao? Khi bà thông báo tin vui con mình đậu đại họa Thanh Hoa thì chỉ lác đác vài ba like, còn không có nổi bình luận đi kèm.
Sau này, một ai đó đã nói riêng với người mẹ rằng nhiều người kể từ khi biết tin con trai bà đậu Đại học Thanh Hoa, tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự, nhưng họ đang rất ái ngại đề cập đến chuyện này. Sau một hồi, bà nghiệm ra rằng hóa ra trên đời này không phải ai cũng muốn bạn sống tốt hơn những người khác. Nếu con cái nhà này đậu mà con nhà người khác trượt thì lời chúc phúc nếu có chăng cũng miễn cưỡng, đều là ghen ăn tức ở. Nghĩ đến đây, bà có chút chạnh lòng.
Nhiều cư dân mạng đồng tình cũng đã bình luận như thế này:
“Tuy bạn không ghét người ta, nhưng khi người ta cười thì bạn vui không nổi”.
“Con mình, mình tự hào thì khoe thôi. Việc gì phải đợi chờ những cái like của người khác. Họ cũng chỉ là không chấp nhận nổi việc mình chẳng bằng người thôi”.
“Nuôi con 18 năm trời học hành vất vả cũng đáng cho mẹ tự thưởng bằng cách khoe con lắm chứ”.
Tuy nhiên, bỏ qua chuyện “ghen ăn tức ở” như trên, nhiều người lại có suy nghĩ khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu
Kỳ thi tuyển sinh đại học của các con được ví như bộ mặt của cha mẹ. Nhiều bà mẹ còn coi việc đỗ đạc của con là sự nghiệp của chính mình. Thế nên càng coi trọng nó hơn bất cứ thứ gì khác. Tuy nhiên, sự đỗ đạc của con, thành công của con chưa bao giờ lại là con thuyền chở ước mơ được nở mày nở mặt của cha mẹ. Và cũng không phải gia đình nào cũng đem thành tích của con làm sự nghiệp cả đời của mình. Bởi vậy, nhiều người nhận ra ý đồ của những bài đăng khoe con nên cũng chẳng mấy mặn mà bình luận sáo rỗng.
Một số bình luận khác cho rằng:
“Cha mẹ biết bình tĩnh mới là cha mẹ khôn ngoan. Vào một trường đại học tốt, danh giá hàng đầu cũng mới chỉ là bước ngoặc đầu tiên trong đời con thôi. Tốt nhất hãy vui với niềm vui của mình và đừng đòi buộc người khác cũng phải như vậy. Ai cũng nỗi niềm riêng, đừng gây rắc rối cho người khác trong bất kỳ bữa tiệc đãi mừng nào. Đó chỉ là việc làm để thỏa mãn cho danh dự của gia đình bạn”.
“Con tôi thậm chí còn không vào được trường tốt chứ chưa nói trường top, nhưng tôi vẫn thấy mừng cho chị và bấm like. Đứa trẻ có khởi đầu tốt đẹp và tôi chúc mừng cho cháu. Nhưng chị hãy vui với niềm tự hào của mình, đừng kích thích người khác phải làm gì hơn”.
“Nếu thực sự đứa trẻ nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi mà trở nên tốt hơn thì tôi sẵn lòng. Còn lời chúc mừng chỉ để chị mở mày mở mặt thêm thì thiết nghĩ chị đã nhận đủ rồi, không cần thêm sự ban phát”.
“Việc khoe con, đăng bài là quyền tự do của bạn, còn người khác không comment hay like là quyền tự do của họ, tại sao phải trách người khác khi họ không tung hô theo điều bạn mong muốn. Đâu phải ai không thể hiện sự vui mừng trước hạnh phúc của người khác cũng đều là người đang ghen tức”.
“Nếu con nhà người ta đang buồn rầu vì thi trượt mà mẹ nó vào chúc mừng hồ hởi con của một người bạn vừa trúng tuyển chẳng phải đứa trẻ vô tình đọc được sẽ chỉ muốn nhảy sông thôi sao? Và chẳng phải nếu đang rầu rĩ vẫn phải chúc phúc thì nó sẽ thành ra miễn cưỡng lắm sao?”.
Bạn nghĩ sao khi đọc thấy những bình luận trái chiều về chuyện khoe thành tích học tập của con như thế này? Hãy cùng tham gia bình luận để các bậc cha mẹ có thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề gây tranh luận này nhé!