Được Đại học Ngoại thương, Y, Dược và Sư phạm Hà Nội tuyển thẳng, song Phạm Thu Thảo lo việc học dang dở khi nhà nghèo, bố mẹ sức khỏe yếu.

Thảo cho hay em trúng tuyển sớm nhờ thành tích giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý. Các ngành em được nhận đều “hot”, như Răng Hàm Mặt ở Y Hà Nội, Dược học của Đại học Dược, Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng tiếng Anh) ở Đại học Sư phạm Hà Nội và Kinh tế đối ngoại của Ngoại thương.

Nhưng sau niềm vui là nỗi lo bởi bố Thảo đang bệnh nặng, mẹ phải lo thuốc thang và chi tiêu trong nhà. Thảo chưa biết kiếm đâu ra khoản tiền nhập học sắp tới.

“Em nói con được nhiều đại học tuyển thẳng lắm, mẹ nghe xong cười gượng, rồi lấy tay gạt nước mắt”, Thảo kể.

Nữ sinh là con út của ông Phạm Hữu Phước, 52 tuổi và bà Nguyễn Thị Viện, 51 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ. Ông Phước mắc bệnh thần kinh hàng chục năm nay nên không thể lao động, một mình bà Viện làm 5 sào ruộng để lo cho gia đình. Bố mẹ Thảo chưa có nhà, hiện ở nhờ bên nội, 10 năm nay thuộc diện hộ nghèo. Anh trai Thảo đang là sinh viên năm thứ ba Học viện Bưu chính Viễn thông cũng phải làm thêm, chạy Grab để ăn học.

Phạm Thu Thảo (giữa) bên bố mẹ. Ảnh: Hùng Lê

Phạm Thu Thảo (giữa) bên bố mẹ. Ảnh: Hùng Lê

Trong căn nhà cấp bốn của bà nội, tài sản lớn nhất của gia đình Thảo là những tấm giấy khen. Từ nhỏ, Thảo và anh trai đã tự nhủ phải cố gắng học tập để sau này thoát nghèo.

Nữ sinh học đều, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Ba năm học tại trường THPT Trần Phú, em đều giành giải học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý. Trong 84 học sinh của Hà Tĩnh đi thi quốc gia hồi đầu năm, Thảo là học sinh hiếm hoi đến từ trường huyện. Với giải nhì, nữ sinh được vào vòng bồi dưỡng để chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế, nhưng không lọt danh sách cuối cùng. Em nói hài lòng bởi biết mình chưa đạt đến trình độ tham gia cuộc thi lớn như thế, tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.

Những lúc rảnh rỗi, Thảo thường ra đồng giúp mẹ. Ngày mùa, em cùng mẹ gặt, phơi lúa, thu hoạch hoa màu… Em dành việc học vào buổi tối và sáng sớm.

“Với các môn tự nhiên, ngoài học trong sách giáo khoa thì cần chăm chú nghe cô thầy giảng bài. Nếu có thắc mắc nào đó chưa rõ thì hỏi ngay và luôn”, Thảo đúc kết cách học. Nữ sinh cho hay không bao giờ để bản thân phải lăn tăn một vấn đề nào đó mà luôn chủ động tìm kiếm các nguồn từ thầy cô, trên mạng để giải quyết, tránh bị hổng kiến thức.

Góc học tập của Thảo. Ảnh: Hùng Lê

Góc học tập của Thảo. Ảnh: Hùng Lê

Ông Lê Xuân Tiến, Trưởng thôn Phú Quý, nói gia đình Thảo là hộ nghèo nhiều năm qua, họ có lẽ chỉ thoát nghèo nếu Thảo và anh trai tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định.

“Nghe tin Thảo được 4 đại học tuyển thẳng nhiều người lo lắng. Mẹ sức khỏe yếu, bố bệnh nặng không có khả năng chu cấp, nếu Thảo không được đến giảng đường thì rất thiệt thòi”, ông Tiến nói.

Thầy Nguyễn Đình Thám, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, đánh giá Thảo thông minh, kiên trì, là tấm gương về nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Ngoài học tốt, nữ sinh được thầy cô, bạn bè yêu quý bởi lễ phép, hòa đồng, nhiệt tình với các hoạt động của trường, lớp.

Thảo thích nhập học ngành Kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương. Em mong trở thành người thành công về kinh doanh. Trong khi đó, mẹ Thảo muốn con theo ngành Sư phạm Toán học bởi được miễn học phí.

“Nếu xoay xở được tiền nhập trường, ra Hà Nội em sẽ tìm việc làm thêm để kiếm tiền đóng học phí, trang trải sinh hoạt”, Thảo nói.