Một buổi sáng đi hái tiêu thuê, do sương sớm trơn trượt khiến chị Nguyễn Thị Lượm (SN 1966, ngụ tổ 1, khu phố Hoàng Giao, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị tuột chân, ngã lộn nhào từ trên thang xuống đất, gãy cột sống. Gia cảnh neo đơn khốn khó không có tiền điều trị lâu dài, chị xin xuất viện về nhà, uống thuốc giảm đau cầm cự.
Khi chúng tôi đến thăm, chị Lượm nằm bất động trong căn nhà trống hoác, tường gạch xây nham nhở chưa tô. Nhớ lại vụ tai nạn, chị kể: Từ ngày chồng mất, công việc chính của chị là phụ hồ, ngày nào được nghỉ cũng tranh thủ đi làm mướn hay hái tiêu thuê quanh xóm, kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Hôm đó là chủ nhật, chị vừa bắc thang leo lên trụ tiêu thì trượt chân ngã bất tỉnh. Được chủ nhà đưa đến Bệnh viện (BV) Bà Rịa chụp citi, bác sĩ chẩn đoán gãy cột sống C5 và C6, BV địa phương không chữa được phải chuyển lên Sài Gòn.
Nghe tin mẹ gặp nạn, Kim Hậu quýnh quáng chạy khắp nơi vay mượn tiền. Lúc đến BV cũng không kịp gặp mặt vì mẹ đã vào phòng cấp cứu, ngồi chờ ngoài cửa mà cậu sợ hãi khóc rưng rức. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện chị Lượm mắc Covid- 19, đưa đi điều trị ở khu vực riêng. Mười ngày sau chị xét nghiệm âm tính thì Hậu lại nhiễm bệnh, mẹ con tiếp tục cách ly không thể gặp nhau.
Sau ca phẫu thuật chỉnh hình, chị Lượm chuyển sang BV quận 8 (TPHCM) điều trị phục hồi chức năng. Mới ở đây hơn một tháng, chị vội vàng xin xuất viện. Mặc dù bác sĩ khuyên can, nói chị cần ở lại BV chăm sóc thêm ít lâu để sức khỏe tiến triển, có thể hồi phục đi lại được, nhưng chi phí điều trị quá tốn kém, tiền bạc đã cạn kiệt, hai mẹ con đành đưa nhau về nhà. Mấy tháng nay, mẹ nằm liệt một chỗ, Kim Hậu đi phụ quán ăn, kiếm tiền đong gạo, mua thuốc, tan ca là em chạy vội về chăm sóc mẹ.
Nghĩ đến cuộc sống khó khăn trước mắt, chị Lượm nghẹn ngào. Cảnh nhà đơn chiếc, thương con sớm mồ côi cha nên chị dành hết tình yêu thương chăm lo, mong con có tương lai tươi sáng. Hậu đang học lớp 12, dự định sau nghỉ hè sẽ đi học nghề, sớm có công việc ổn định để đỡ đần mẹ. Gặp tình cảnh này, em đành nghỉ học đi làm thuê lo toan cuộc sống. Được chính quyền địa phương và xóm giềng lui tới hỗ trợ giúp vơi bớt khó khăn, nhưng muốn bình phục, chị Lượm phải cần thêm nhiều chi phí mà trong nhà không còn gì để cầm cố, khoản nợ hơn 100 triệu đồng cũng chưa biết khi nào trả nổi.