Mẹ mất, ba bỏ đi, dù chưa tròn 18 tuổi nhưng cô bé mồ côi Nguyễn Nữ Kiều Oanh đã phải ‘vội lớn’ để nuôi 3 đứa em nhỏ giữa đời. Và giờ đây Oanh còn tự tin bước vào đại học.
Cô sinh viên mồ côi Nguyễn Nữ Kiều Oanh (ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng) cắt măng tre về nấu cho các em ăn – Ảnh: NHẬT LINH
Ngày mẹ mất, Oanh lén nhìn ba đứa em thơ dại rồi khóc nghẹn. Em nghĩ mình sẽ phải bỏ lại giấc mơ trở thành sinh viên đại học để sớm vào đời tìm việc làm thay mẹ nuôi các em.
Làm chị, “làm mẹ” của đàn em thơ
Nghị lực của những cánh cò mồ côi xứ Huế
Xế trưa nắng chang chang, căn nhà tạm cấp 4 sơ sài của mấy chị em Kiều Oanh nằm tít tận cuối con đường dẫn vào thôn Diên Đại (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) nóng hầm hập.
Liếc nhìn đồng hồ đã đến giờ cơm trưa, Oanh chạy vội xuống bếp, xách con dao nhỏ đi thẳng ra bụi tre mọc dại trước nhà. Thoăn thoắt cắt từng mụt măng tre non mới nhú lên khỏi mặt đất, cô gái trẻ thành thạo lột vỏ măng ra đặng xào với mỡ làm bữa trưa cho các em.
Từ khi mẹ mất, Kiều Oanh đã quá quen với cảnh một tay chăm bẵm cho ba đứa em nhỏ từ cái ăn đến giấc ngủ.
18 năm trước, chị Nguyễn Thị Bích (mẹ của Oanh) đã có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn với một người đàn ông cùng quê.
Sau khi Kiều Oanh và Nguyễn Nữ Kiều Linh (em gái thứ 2 của Oanh, năm nay 16 tuổi) ra đời, người đàn ông đó đã bỏ mẹ con Oanh đi biệt tăm mà không lời từ biệt.
Đến năm 2018, chị Bích quyết định “xin con” (không rõ cha đứa bé – PV) rồi sinh em Nguyễn Nữ Kiều Như và năm 2021 sinh thêm em Nguyễn Nữ Kiều Na (2 tuổi).
Sau khi sinh bé Kiều Na, chị Bích bị trầm cảm sau sinh nặng và trong một phút quẫn trí đã tự vẫn, để lại đàn con bơ vơ giữa đời.
Thời điểm tin dữ ập đến là lúc Kiều Oanh chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối kỳ lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi cuộc đời xét tuyển vào đại học.
Cú sốc tinh thần mất đi chỗ dựa duy nhất là mẹ khiến Oanh tưởng chừng không gượng dậy nổi.
Từ khi mẹ mất, Nguyễn Nữ Kiều Oanh đã phải “vội lớn” để làm cha, làm mẹ nuôi các em – Ảnh: NHẬT LINH
Nhờ sự động viên của người thân và bạn bè, Kiều Oanh đã quyết định tiếp tục việc học. Oanh lao vào sách vở, dồn hết tâm trí vào việc ôn thi đại học như để quên đi nỗi buồn vắng mẹ.
Kết quả Oanh đã thi đậu vào ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) với số điểm 22.
Ngày lên phố nhập học, Oanh được bà ngoại hơn 80 tuổi dúi vào tay hơn 10 triệu đồng, là tiền từ thiện mà người làng trên xóm dưới quyên góp rồi phúng điếu trong đám tang của mẹ em.
Lộc mồ côi vào đại học
Cùng cảnh mồ côi với Kiều Oanh, cuộc đời của tân sinh viên Trần Văn Lộc (Trường đại học Nông Lâm Huế) cũng là một nốt trầm buồn.
Căn nhà nhỏ xập xệ ở lưng chừng đồi keo tràm tại phường Hương Hồ (TP Huế) của gia đình Lộc từng rộn rã tiếng cười.
Tân sinh viên Trần Văn Lộc (Trường đại học Nông Lâm Huế) lên rừng nhặt củi về nấu cơm trưa – Ảnh: NHẬT LINH
Rồi một ngày, Lộc nhận được tin bố mất tích khi đang làm việc ở một trang trại chăn nuôi tận tỉnh Đắk Lắk. Hỏi ra mới biết bố của Lộc từng sa vào trò đỏ đen, nợ một khoản tiền rất lớn. Người đàn ông ấy đã phải bỏ đi biệt tích để trốn nợ mà không để lại lời nhắn nào với gia đình.
Chỉ ít lâu sau, vào đúng ngày Lộc dự kỳ thi chọn học sinh giỏi môn toán của trường, mẹ của Lộc cũng âm thầm xách ba lô bỏ đi, để lại bốn người con cho bà ngoại và cắt luôn liên lạc. Đó là cú sốc lớn nhất cuộc đời Lộc đến tận giờ, khi bất đắc dĩ bốn anh em của Lộc trở thành trẻ mồ côi.
Tin Lộc đậu vào ngành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Nông Lâm Huế với bà Nguyễn Thị Thu Hồng (bà ngoại Lộc) như sét đánh ngang tai. Bà vừa thương cho đứa cháu nghị lực, vừa lo không biết lấy đâu ra tiền cho Lộc đến trường khi sức khỏe của bà dần dần yếu đi.
Không đầu hàng trước cái nghèo, sau khi nhập học, Lộc lao vào tìm việc làm thêm và hiện Lộc đang chạy bàn cho một hàng ăn ở TP Huế. Số tiền lương ít ỏi từ công việc chạy bàn giúp Lộc có thêm cơ hội để tiếp tục theo đuổi con chữ.
Điểm chung của hai cánh cò mồ côi xứ Huế là đều bị số phận đẩy vào cảnh đời nghiệt ngã, bị người thân chối bỏ, phải vội lớn để thay cha mẹ làm điểm tựa cho các em. Thế nhưng không vì thế mà hai bạn trẻ đầu hàng số phận.
Họ biết rằng mồ hôi, nước mắt trên con đường chinh phục con chữ hôm nay sẽ đổi lại một tương lai tốt đẹp cho các em và chính bản thân mình.