Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (22 tuổi, quê Phú Thọ) trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kế toán – Kiểm toán, Đại học Công nghiệp Hà Nội với tổng điểm GPA 3,87/4.0.
“Trở thành thủ khoa tốt nghiệp đại học, em không quá bất ngờ nhưng cũng vui vì bản thân đã hoàn thành mục tiêu đặt ra trong 4 năm đại học. Em muốn dành phần thưởng này cho bố mẹ – người luôn tần tảo sớm hôm lo cho con ăn học, trở thành người có ích cho xã hội”, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nói.
Để đi đến thành công này, ít ai biết Nguyệt từng hụt hẫng, tự trách bản thân khi trượt nguyện vọng 1 và Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng không phải là ước mơ ban đầu.
Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyệt đam mê với môn Toán và mơ ước lớn lên sẽ được làm kế toán giỏi. Năm 2019, cô đạt 23,19 điểm khối D00 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thiếu gần 2 điểm để trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường Đại học Thương mại.
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nhận bằng tốt nghiệp. (Ảnh NVCC)
Trượt nguyện vọng 1, Nguyệt khá sốc, tự trách bản thân chưa đủ nỗ lực và xin bố mẹ cho ở nhà một năm ôn thi lại. Tuy nhiên, sau khi nghe lời khuyên từ gia đình cô mới đồng ý nhập học vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. “Chưa bao giờ em nghĩ nguyện vọng xếp thứ tự cuối cùng này lại là tấm vé vớt vào đại học”, nữ sinh thừa nhận.
Chấp nhận môi trường không như kỳ vọng, Ánh Nguyệt lấy lại tinh thần để bắt nhịp với giảng đường đại học. Kỳ học đầu tiên cô đạt điểm trung bình học tập 3,72/4.0 và nhận được học bổng hơn 5 triệu đồng đầu tiên của trường.
Nhận học bổng như được tiếp thêm sức mạnh, Nguyệt đặt mục tiêu lớn hơn cho bản thân trở thành thủ khoa đại học. “Mục tiêu này em ấp ủ từ năm 2 đại học mà không dám nói cho ai biết vì sợ “nói trước lại bước không qua”, 10X tâm sự. Nguyệt luôn lấy mục tiêu đó làm động lực để cố gắng trong suốt 4 năm đại học.
Trong các giờ học, Nguyệt luôn là người xung phong phát biểu nhiệt tình, cố gắng đạt điểm thành phần cao nhất có thể. Trong các bài thi cuối kỳ cô luôn ôn tập kỹ lưỡng, đảm bảo điểm của các môn đều cao.
Với sinh viên, các môn học đại cương như Lý luận chính trị, Tư tưởng Mác – Lênin, Triết học… là những “cửa ải đáng sợ” nhưng với Nguyệt thì không. Cô dành thời gian gấp đôi mỗi ngày để chinh phục những môn học này. “Hằng ngày, trước khi lên lớp, em cố gắng đọc và lên mạng tìm hiểu những nội dung liên quan, chăm chú nghe giảng, tích cực tương tác với giảng viên hơn để hiểu vấn đề”, tân thủ khoa bật mí cách học.
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nhận bằng tốt nghiệp cùng gia đình. (Ảnh NVCC)
Vượt qua cửa ải các môn đại cương thì lại đến những môn chuyên ngành khó nhằn như Nhập môn kế toán. Theo Nguyệt, môn học này rất khó, bắt buộc sinh viên phải thuộc lòng các hệ thống tài khoản theo Thông tư, Nghị định của Nhà nước và phải thực hành báo cáo tài chính vào cuối môn. “Em từng chật vật là, báo cáo 10 lần và đều sai cả 10”, cô nhớ lại.
Nguyệt thừa nhận bản thân khá nghiêm khắc trong việc học. Cô còn tâm niệm, nếu nghỉ học một buổi, bản thân sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng đến mục tiêu đặt ra. Suốt 4 năm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nữ thủ khoa chỉ nghỉ duy nhất một buổi học của năm nhất với lý do gia đình có việc.
Trong suốt thời gian học tập, cô đạt nhiều thành tích cao như: Đạt học bổng xuất sắc trong 6/8 kỳ học; đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc trong 3 năm liên tiếp, sinh viên giỏi năm học 2022 – 2023. Nguyệt là một trong hai sinh viên xuất sắc khoa Kế toán – Kiểm toán tham gia khóa học thực hành tư duy kế toán trưởng trên nền tảng ERP VBIS Oracle do Công ty TNHH tư vấn Kế toán – Kiểm toán Auditcare & Partners Việt Nam (ACV).
Nguyễn Thị Ánh Nguyện cùng 95 thủ khoa trong buổi lễ vinh danh các thủ khoa xuất sắc năm 2023 của Thành phố Hà Nội. (Ảnh NVCC)
Nữ sinh 22 tuổi dành lời khuyên cho các bạn rằng, để đạt được mục tiêu lớn hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ nhất. Ngoài ra, hãy luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, nắm vững những kiến thức cơ bản của ngành mà mình theo học.
Nguyệt đang làm kế toán cho một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, với nhiệm vụ kê khai thuế theo quý, năm và làm báo cáo tài chính. Cô chia sẻ, cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ học thêm chứng chỉ quốc tế liên quan tới nghề nghiệp. Nếu như hoàn thành sớm chứng chỉ cô sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ.
Thầy Phạm Anh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Thị Nguyệt (trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đánh giá, Nguyệt là sinh viên xuất sắc, luôn đạt thành tích cao trong học tập. Cô luôn hòa đồng với các bạn bè, thầy cô trong lớp, tạo thiện cảm tốt với mọi người.
“Tôi mong em ấy luôn cố gắng hết sức trong công việc, áp dụng tốt những kiến thức đã học vào thực tế và thành công trong mọi lĩnh vực”, thầy Tuấn kỳ vọng.