Sáng ăn cháo, trưa thì nhịn, còn tối ăn cơm với cá sặc”, chị Phạm Thị Thảo ở Bến Tre nói về cuộc sống khốn khó của 7 mẹ con, kể từ khi người chồng qua đời do mắc Covid-19.
Gia đình chị Phạm Thị Thảo (42 tuổi, ngụ xã Bình Thành, Giồng Trôm, Bến Tre) được cán bộ chính quyền giới thiệu là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất xã.
Bảy người trong gia đình chị không có ai đi làm. Tất cả tồn tại nhờ sự giúp đỡ của anh em, làng xóm.
Chị Thảo kể, chị và người chồng quá cố đều thất học nên sớm đi làm mướn. Gặp nhau rồi về ở với nhau, cả 2 không tổ chức cưới xin.
Vì ít hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình, 6 đứa con trong gia đình chị lần lượt ra đời.
Dù ít học nhưng bù lại có sự chăm chỉ nên vợ chồng chị Thảo lúc đầu không thuộc hộ nghèo ở địa phương. Nuôi 5 đứa con, nhưng đầu năm 2021, anh chị vẫn gom góp rồi cất được căn nhà 2 gian.
Căn nhà chỉ có một phòng ngủ dành cho chị Thảo và 2 đứa con gái. Chồng và 3 con trai ngủ ngay phòng khách.
Người phụ nữ 42 tuổi tâm sự rằng dù đơn sơ nhưng căn nhà kín trên bền dưới luôn đầy ắp tiếng cười.
“Cuộc sống cứ vậy thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng cuối năm ngoái khi tôi đang mang thai đứa thứ 6 thì anh ấy mắc Covid-19 rồi mất. Không có tiền làm mướn của chồng, tôi cũng không đi làm được nên cả nhà không còn thu nhập gì, mọi thứ chi tiêu đều phải vay mượn hay xin xỏ”, chị Thảo tâm sự.
Theo lời chị, đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà nay mới được 6 tháng tuổi. Anh em làng xóm thương tình ghé cho bịch bỉm, hộp sữa hay ký gạo nên cả nhà mới sống được đến giờ.
Để cuộc sống đỡ chật vật, chị Thảo mang đồ gia công về nhà may. “Hai mươi nghìn tiền công mỗi ngày chẳng thấm tháp vào đâu. Do không ý thức được chuyện sinh nhiều con nên nay để chúng khổ vậy”, bà mẹ của 6 đứa con ngậm ngùi.
Theo quan sát của phóng viên, căn nhà rộng 30m2 của chị Thảo không có gì đáng giá. Ngoài chiếc giường tre cho mấy mẹ con, chiếc võng để lót đứa út ngủ, còn có chiếc bàn may chị Thảo mới mượn về.
Dưới bàn thờ sơ sài của cha, 4 đứa nhỏ đuổi nhau trốn tìm, nô đùa, vô lo vô nghĩ.
Con trai lớn của chị Thảo năm nay 17 tuổi nhưng không nhanh nhẹn, hoạt bát như những người bạn cùng trang lứa. Đi học về, nam sinh này chỉ ngồi im ôm em gái ở một góc nhà.
Ngồi nhìn con với ánh mắt đờ đẫn, chị Thảo tâm sự về bữa ăn trưa của gia đình: “Sáng thì ăn cháo, trưa hay nhịn, còn tối ăn cơm với cá sặc”.
Bà Trương Thị Ngọc – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thành – chia sẻ: “Cả hai vợ chồng chị Thảo đều không được nhanh nhẹn, ít học và có biểu hiện tâm thần nhẹ. Trong 6 đứa con của chị Thảo thì 2 đứa ở giữa cũng có biểu hiện giống cha mẹ, đặc biệt đứa cứ cù lì cục mịch, đặt đâu ngồi đó, đi học không tiếp thu được gì”.
Theo bà Ngọc, do chồng mất nên cuộc sống của chị Thảo càng thêm khó khăn. Cuộc sống mấy mẹ con đều nhờ sự hỗ trợ của anh em, làng xóm, chính quyền
“Nhìn chung mẹ con chị Thảo hiện tại thiếu thốn trăm bề. Địa phương rất mong các mạnh thường quân gần xa giúp đỡ cho gia đình chị vượt qua khốn khó”, lời bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thành.