Giáo viên hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực về cơm áo gạo tiền, chương trình mới,…nên chỉ cần chuyển xếp lương bất công sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Có lẽ chưa có ngành nghề nào trong cả nước có tình trạng giáo viên có bằng đại học hơn 10 năm nhưng đến hiện nay vẫn còn xếp, hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên bất mãn, chán nản và nghỉ việc thời gian qua.

Năm 2023, xin đừng để giáo viên có bằng đại học 11 năm vẫn hưởng lương trung cấp ảnh 1

Ảnh minh họa thuvienphapluat.vn

Vì sao, giáo viên có bằng đại học hơn 10 năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng?

Việc xếp lương giáo viên hiện nay đang được thực hiện theo Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 20/3/2021.

Tuy có hiệu lực gần 2 năm nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thể chuyển xếp lương theo chùm Thông tư trên và hiện nay đang chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung.

Do đó, đa số các địa phương giáo viên vẫn đang hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Vì xếp lương theo chùm Thông tư 20-23/2015 nên dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên có bằng đại học vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng dù có thành tích tốt hay giữ chức vụ cán bộ quản lý,…

Đến nay là những ngày đầu năm 2023, nhưng vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn chưa thể chuyển xếp lương mới cho giáo viên, vẫn còn tình trạng giáo viên có bằng đại học đã hơn 10 năm vẫn hưởng lương trung cấp (hệ số lương 1,86-4,06), cao đẳng (hệ số lương 2,1-4,89) mà chưa thể chuyển xếp lương mới.

Cụ thể có 2 trường hợp đến nay đã có trình độ đại học nhiều năm nhưng vẫn xếp lương trung cấp, cao đẳng như sau:

Trường hợp 1: Những giáo viên đang giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có bằng đại học từ những năm 2012 do học nâng chuẩn, từ đó đến nay thấm thoát đã 11 năm, qua nhiều lần thay đổi văn bản, ban hành Thông tư về xếp lương nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn không tổ chức thi, xét thăng hạng, các giáo viên này hiện nay vẫn còn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Nhiều cán bộ quản lý hiệu trưởng, hiệu phó, có những người có thành tích nổi trội vẫn chịu chung số phận vì không được chuyển xếp lương.

Đây chính là bất cập lớn nhất về xếp lương.

Trường hợp 2: Những giáo viên được tuyển dụng từ 01/11/2015 (thời điểm chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành) đến 20/3/2021 (thời điểm chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực), những giáo viên này nếu có bằng đại học nhưng trúng tuyển ở bậc mầm non, tiểu học chỉ được xếp lương trung cấp, có bằng đại học trúng tuyển bậc trung học cơ sở chỉ được xếp lương cao đẳng.

Thậm chí, cả giáo viên có bằng thạc sĩ nếu trúng tuyển bậc mầm non, tiểu học vẫn chỉ được xếp lương trung cấp.

Những giáo viên này, sau khi “bị” xếp lương trung cấp, cao đẳng đến nay vẫn chưa thể chuyển xếp lương mới nên đến thời điểm này vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Kiến nghị được xếp lương khoa học, công bằng

Việc xếp lương giáo viên một cách công bằng, khoa học là điều vô cùng hệ trọng, quyết định lớn đến việc giáo viên phấn đấu, yên tâm công tác.

Nghị quyết 27/NQ-TW xác định tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc là vô cùng đúng đắn.

Giáo viên giữ chức vụ quản lý, làm việc hiệu quả cao, cường độ cao đương nhiên phải được trả lương cao hơn, tương xứng

Nhưng rất tiếc do tình hình dịch bệnh phức tạp, do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nên việc trả lương theo Nghị quyết 27 vẫn chưa thể tiến hành.

Nhưng hiện nay, việc xếp lương giáo viên lại vô cùng bất cập, lương hiện tại có trường hợp giáo viên giữ chức vụ quản lý, làm việc hiệu quả, nhiều thành tích nhưng lại xếp lương hạng thấp, lương thấp, có trình độ đại học xếp lương trung cấp,…

Bên cạnh đó, tại Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và tại dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những trường hợp giáo viên có bằng đại học công tác tại trường tiểu học, trung học cơ sở hạng II đủ 9 năm có hệ số lương 3,33 đến 3,99 đều được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 cũng là một bất cập.

Giáo viên hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực về cơm áo gạo tiền, chương trình mới,…nên chỉ cần chuyển xếp lương bất công sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” khiến giáo viên càng thêm chán nản, ấm ức,…dễ nảy sinh tiêu cực, bỏ việc.

Người viết cũng như giáo viên cả nước không mong được xem là nghề cao quý, cũng không dám hy vọng được xếp lương cao nhất, giáo viên cũng mong như các ngành bình thường, được cải thiện thu nhập, được xếp lương một cách khoa học, công bằng, xin đừng xếp lương một cách bất công, bất cập như hiện nay và cũng xin đừng để tồn tại trường hợp giáo viên có trình độ đại học hưởng lương trung cấp, và cũng đừng có trường hợp giáo viên “tàng tàng” có hệ số lương 3,33 chuyển sang lương có hệ số 4,0.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.