Việc kiểm tra, xác nhận văn bằng quá dễ dàng, Hutech tại sao lại để “lọt” tiến sĩ “rởm” thỉnh giảng đến tận 6 năm.

Tiến sĩ “rởm” dạy sinh viên Hutech, khắc phục hậu quả là bài toán không dễ

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết “Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng” phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Đáng nói, sau khi thông tin này được đăng tải, “làn sóng” phát hiện ra ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ “rởm” để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được nêu lên.

Đặc biệt, việc ông Hải từng thỉnh giảng đến 6 năm (2016 đến 2022) tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) đặt ra rất nhiều câu hỏi của dư luận liên quan đến công tác thẩm định, đánh giá chất lượng giảng viên thỉnh giảng ở trường này.

Bàn về vấn đề trên, một cán bộ đang công tác tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “6 năm là quãng thời gian giảng dạy khá dài nhưng trường Hutech lại không phát hiện ra bằng cấp của ông Hải có vấn đề. Có thể do người này quen biết nhiều nên tạo được lòng tin, khiến các cơ sở lơ là khâu xác minh tính chính xác của bằng cấp. Mặt khác, có thể thấy quy trình kiểm tra văn bằng ở đơn vị sử dụng giảng viên thỉnh giảng này còn lỏng lẻo – người này nộp văn bằng nhưng trường không kiểm tra chéo với đơn vị cấp bằng này mới dẫn đến chuyện suốt nhiều năm không phát hiện ra bằng giả”.

Từ vụ tiến sĩ “rởm” nêu trên cũng đặt ra bài học cho các cơ sở trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, các đơn vị nên có quy định chặt chẽ với giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng.

“Ở Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng giảng viên thỉnh giảng rất ít, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số giảng viên, chủ yếu là ở khối ngành Kinh tế và trình độ từ tiến sĩ trở lên. Trường có quy định về mời giảng viên thỉnh giảng, trong đó khoa chịu trách nhiệm về bằng cấp, tư cách, giảng dạy của giảng viên. Quy trình xác minh, giảng dạy với giảng viên thỉnh giảng cũng được xây dựng chặt chẽ.

Các bước mời giảng viên thỉnh giảng như sau: Các giảng viên phải cung cấp thông tin cá nhân, văn bằng chứng chỉ, đồng thời xác nhận đã từng giảng dạy ở đơn vị nào và phòng tổ chức của trường sẽ xác minh. Sau đó trường tiến hành mời giảng và ký hợp đồng với giảng viên. Các giảng viên mời giảng sẽ sinh hoạt với phòng tổ chức để biết về các quy định. Các giảng viên mời giảng phải đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Việc xác nhận văn bằng bây giờ dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều. Các đơn vị tuyển dụng nhân sự chỉ cần tra cứu trên dữ liệu số hoặc phát công văn về trường cấp bằng để xác thực sẽ có ngay kết quả”, vị này cho biết thêm.

Cũng theo vị này, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát lại đội ngũ giảng viên. Từ trước đến nay ông Nguyễn Trường Hải không có hợp đồng thỉnh giảng, chưa từng là nhân viên của trường.

Việc một số cán bộ, nhà giáo sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định để “chui sâu, leo cao” không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 23/3, báo Tuổi trẻ đăng tải bài viết “Tuyên án hàng chục cán bộ mua và xài bằng giả”. Theo nội dung bài viết, từ năm 2016-2020, bị cáo Ngô Hồng Nam – 40 tuổi – Trưởng Trạm y tế phường 8, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã mua hộ 61 chứng chỉ, bằng giả cho 48 người, giá mỗi chứng chỉ giả từ 900.000 – 2,5 triệu đồng, tùy thời điểm.

Đáng nói, hầu hết các bị cáo mua và sử dụng bằng giả nói trên đều đang công tác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục ở tỉnh Bến Tre. [1]

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn đưa thông tinngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó đề nghị kỷ luật Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh: Khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. [2]

Câu hỏi đặt ra là vì sao những đối tượng này lại có thể “qua mặt” các cơ quan quản lý để ngồi vào những vị trí đòi hỏi sự liêm chính, đạo đức nhất? Rồi một người sử dụng bằng tiến sĩ “rởm” lại dễ dàng lách cả hội đồng tuyển dụng, đứng lớp giảng dạy hay thậm chí suýt thành trưởng khoa?

Đồng thời, từ đây cũng gióng lên hồi chuông báo động về công tác kiểm định bằng cấp giảng viên, cán bộ của các đơn vị khi tuyển dụng, bổ nhiệm.

Liên quan đến vấn đề sử dụng dùng bằng giả đứng lớp giảng dạy, thăng chức, chiều ngày 29/11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng và cơ quan sử dụng văn bằng, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi các quy định hiện hành đã giao cho các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Điều này có trong Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ”.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương cũng thông tin thêm, trong thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong công tác kiểm định bằng cấp trước khi tuyển dụng, bổ nhiệm

Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, cán bộ, nhà giáo sử dụng bằng giả là đạo đức quá tệ và không có năng lực, nếu những người này lên chức lên quyền thì rất nguy hiểm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Tại sao người ta đưa bằng tiến sĩ giả, trường sử dụng nhân sự mà không kiểm tra, không phát hiện ra? Người sử dụng bằng giả đó làm cách nào để “qua mặt” cả hội đồng tuyển dụng?

“Rõ ràng đơn vị tuyển dụng có thể kiểm tra trên hệ thống quản lý số của các trường. Việc xác định bằng giả hay bằng thật rất dễ dàng.

Bằng giả có loại là bằng gian lận, có loại bằng thật nhưng học giả. Chung quy lại thực chất đều là không có năng lực. Nếu trường nào tuyển dụng nhân sự sử dụng bằng giả thì rất mất uy tín và bị dư luận lên án. Đó cũng là bài học cho những trường khác tránh đi vào vết xe đổ. Ở đây không phải là câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo can thiệp mà trước hết là trách nhiệm của các nhà trường”, thầy Tống bày tỏ.

Ngoài ra, thầy Tống cũng nhìn nhận một thực trạng là đặt nặng vấn đề bằng cấp quá mức, chạy đua tuyển dụng tiến sĩ để truyền thông “trường có nhiều tiến sĩ thì chất lượng cao hơn trường có ít tiến sĩ”. Từ thực tế một số cán bộ, nhà giáo sử dụng bằng giả để thăng tiến cũng đặt ra vấn đề tuyển dụng, kiểm soát văn bằng chứng chỉ còn lỏng lẻo, có lỗ hổng.

Thầy Tống cho rằng, Bộ giáo dục và Đào tạo mở hệ thống tra cứu văn bằng để kiểm tra được bằng cấp đó thật hay giả từ dữ liệu thông tin đã có trong bằng cấp là chuyện có thể làm được. Việc tra cứu thông tin văn bằng trên hệ thống của Bộ sẽ giúp các đơn vị kiểm tra thông tin dễ dàng, khách quan hơn.

Trước câu hỏi cần có biện pháp răn đe, xử lý ra sao để trị căn bệnh dùng bằng giả, thầy Tống thẳng thắn nêu quan điểm: “Vấn đề không phải là răn đe thì những người đó không dùng bằng giả nữa. Họ thấy trót lọt được thì lên chức, cho nên nếu phạt thì phạt những người kiểm tra để lọt sổ, lọt trường hợp dùng bằng giả như thế. Có những nhóm làm bằng giả, bắt chước phôi bằng thật, bởi thế trước khi tuyển dụng, đơn vị cần gửi thông tin về cho cơ sở cấp bằng để xác minh chính xác. Việc này không có gì khó khăn cả”.
Điều 26, Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử1. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ gồm các nội dung: tên văn bằng, chứng chỉ; họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ; số hiệu và số vào sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ; ngày tháng năm cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ phải đảm bảo chính xác số với sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ không áp dụng đối với cơ sở giáo dục của ngành công an, quân đội và một số trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử được thực hiện đối với cả văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.