Mỗi lúc bị căn bệnh hiểm nghèo hành hạ, bé gái 7 tuổi lại mím môi chịu đựng, không kêu khóc vì sợ mẹ không có tiền đưa đi bệnh viện chữa trị.
Ông nội xin không điều trị để dành tiền cho cháu chữa bệnh
Anh Phạm Văn Lợi (sinh năm 1993) và chị Nguyễn Kim Nhật Phượng (sinh năm 1995) đều có gia cảnh nghèo khó. Cả hai nghỉ học sớm và cưới nhau khi còn rất trẻ. Hai đứa con của họ là bé Phạm Nguyễn Nhật Hào (sinh năm 2013) và bé Phạm Nguyễn Tuyết Anh (sinh năm 2015) lần lượt ra đời.
Do không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng Phượng thuê nhà mở quán nước nhỏ. Dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho gia đình nhỏ chi tiêu hàng ngày.
Biến cố bất ngờ ập đến với họ vào năm 2018, khi ông Phạm Văn Hồng (sinh năm 1972, cha anh Lợi) phát bệnh ung thư, điều trị kéo dài. Bà Nguyễn Thị Bào (sinh năm 1973, mẹ anh Lợi) làm nghề thu mua ve chai, thu nhập không đủ chi tiêu hàng ngày nên gánh nặng chữa trị cho cha đè nặng lên vai vợ chồng anh Lợi.
Khi bệnh của ông Hồng chưa khỏi, cuối năm 2020, vợ chồng chị Phượng phát hiện nhiều khối u nhỏ nổi lên ở khu vực sau tai, cổ, nách và bẹn của bé Tuyết Anh.
Sau một thời gian dài chăm sóc cha chồng, người phụ nữ này biết nhiều về bệnh ung thư nên vội đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khám. Tại đây bác sĩ phát hiện Tuyết Anh bị bệnh bạch cầu lympho cấp (một dạng ung thư hệ tạo huyết).
Thời điểm này, u hạch bên trong ổ bụng của Tuyết Anh phát triển rất nhanh ra ngoài, nổi khắp người, mưng mủ gây đau nhức.
Do hạch quá nhiều nên không thể phẫu thuật, các bác sĩ chỉ định Tuyết Anh chuyển ngay sang bệnh viện Ung bướu TPHCM để truyền hóa chất.
Cạn kiệt về tài chính sau 2 năm điều trị cho cha, giờ vợ chồng anh Lợi lại lo lắng tiền đâu để điều trị hóa chất cho con với 7 chu kỳ liên tục.
Thấy cháu nội phát bệnh nguy kịch, ông Hồng không đành lòng nên cương quyết ngừng điều trị, xin về nhà dùng thuốc Nam. Sau 2 tháng cầm cự, ông đã không qua khỏi.
Cắn răng nhịn đau vì biết mẹ không có tiền
Chị Phượng kể, 50 triệu mà gia đình vừa vay mượn đã dùng để Tuyết Anh nhập viện và điều trị vào tháng 1/2021.
Những toa thuốc đầu vào cơ thể đã khiến đôi chân của Tuyết Anh không thể cử động, có lúc mắt nhòe đi tưởng như mù. Đến giờ, sau 3 chu kỳ hóa trị, u hạch tiêu dần và sức khỏe bé hồi phục trở lại.
Trải lòng với phóng viên, chị Phượng nói do con phải điều trị dài ngày ở viện nên gia đình đã đóng cửa quán nước, không còn thu nhập. Khi nào được về nhà thì chị đi làm thuê, còn anh Lợi làm phụ hồ.Theo lời kể, thời điểm khó khăn nhất đối với gia đình họ diễn ra năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. “Đó là những tháng ngày trần ai nhất mà em từng trải qua. Chồng thất nghiệp, người thân thì không có tiền để vay mượn trong khi bệnh viện yêu cầu ra ngoài thuê trọ…”.
Những tháng ngày ấy, mẹ con Phượng chỉ trông chờ vào những hộp cơm từ thiện để sống qua ngày. Tiền thuốc hạ sốt cho con cũng phải đi xin nhiều nơi.
Đến nay, sau nhiều ngày phải điều trị, Tuyết Anh đã dần quen với những cơn đau trong cơ thể. Những lúc đó, bé gái này chỉ biết cau mày, nhíu mặt và mím môi chịu đựng.
“Cứ đau là con ráng chịu, không dám nói vì sợ em không có tiền cho nó đi viện. Lúc nào em hỏi, bé cũng bảo con khỏe, không sao. Chỉ khi nào bạch cầu tụt nhiều quá, nó đau phát sốt lên thì em mới biết”, chị Phượng thở dài tâm sự.
Giữa tháng 8 vừa qua, Tuyết Anh mất máu nhiều, sốt cao 2 ngày không hạ. Phượng đưa con đến viện xét nghiệm máu thấy chỉ số bạch cầu tụt rất thấp. Bé được đưa lên TPHCM nhập viện gấp.
Phượng nhớ lại hôm đó có hỏi mẹ, hỏi chồng nhưng không gom đủ được 400.000 đồng. Chị gọi khắp nơi cầu cứu đều không được ai trợ giúp.
“Sáng hôm sau, em xin đi xe nợ lên bến xe để gặp mẹ làm phụ hồ ở Bình Dương. Có một triệu bà đưa em mới đủ tiền cho con nhập viện”, Phượng nói rồi thở dài. Chị bảo tiền viện phí sắp tới chưa biết kiếm đâu ra để trả, rồi tiền xe về, rồi tiền xe đợt tới…
Nói về gia cảnh của vợ chồng anh Lợi, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ấp Trung Trạch (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nói: “Nhà anh Lợi mấy đời sống ở đây, hiền lành nhưng nghèo khó. Gia đình anh không có ruộng vườn, sống bằng nghề làm mướn, thu mua ve chai, lông vịt. Cha anh Lợi vừa mất được mấy tháng vì bệnh hiểm nghèo, giờ đến con nhỏ bị bệnh nên càng khó khăn hơn”.
“Địa phương đã cố gắng vận dụng chính sách để tặng cho bé Tuyết Anh thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp khuyết tật hàng tháng. Số tiền chữa trị lớn, mong các tổ chức, cá nhân giúp gia đình anh Lợi có kinh phí cứu chữa cho con”, ông trưởng ấp nói.