Chồng qua đời, bà Đào phát bệnh tâm thần. Bao năm qua người phụ nữ khuyết tật bẩm sinh cùng 2 đứa con thiểu năng trí tuệ sống lay lắt bữa no, bữa đói chỉ mong bữa cơm có thịt.

Người phụ nữ rơi vào cảnh khốn cùng mà chúng tôi đang nói tới là bà Đoàn Thị Đào (64 tuổi, trú ở xóm Minh Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

Nơi tá túc của 3 mẹ con bà Đào là căn nhà mượn của người em chồng. Căn nhà rộng chừng hơn chục mét vuông, chỉ đủ kê 2 chiếc giường đã cũ nát, ọp ẹp.

Tất cả những gì gọi là “tài sản” của gia đình người phụ nữ tội nghiệp này là một cái bàn nhựa. Trên đó là rổ bát, đĩa đã sứt mẻ gần hết. Ở nơi góc nhà là một chiếc nồi nhôm méo mó, mất 1 bên quai, thân nồi bám đầy muội than. Một cái màn đã rách, cáu bẩn, mấy bao tải đựng quần áo cũ, bốc mùi hôi hám.

Cuộc sống bất hạnh của người mẹ tâm thần và 2 con thiểu năng trí tuệ - 9

Thấy chúng tôi, 2 người con đã ngoài 30 tuổi của bà Đào nhìn khách bằng những ánh mắt sợ sệt, rồi vội nép sau lưng mẹ. Trước sự ngỡ ngàng của những vị khách, ông Trần Xuân Toại (em chồng bà Đào) phân trần: “2 đứa là cháu ruột của tôi, đã 38 và 35 tuổi rồi nhưng bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Giờ tâm trí chỉ như đứa trẻ lên 3, vệ sinh cá nhân vẫn phải dựa vào người khác. Khổ thân chị dâu tôi, trước còn chăm sóc được chúng nó, nhưng chị ấy phát bệnh tâm thần từ 21 năm nay nên hằng ngày, hàng xóm vẫn phải sang trợ giúp cả 3 mẹ con…”.

Giọng rầu rĩ, ông Toại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn của gia đình người anh trai ruột: Bà Đào quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngay từ khi ra đời tay trái của bà chỉ có 2 ngón, trải qua tuổi thơ khốn khó nơi quê nhà, đến tuổi trưởng thành khi mà những người cùng trang lứa đã yên bề gia thất thì người con gái mang khuyết tật tay bẩm sinh này vẫn cô đơn một mình.

Mang tâm trạng mặc cảm, tự ti…, bà Đào rời quê nhà lưu lạc khắp nơi. Khi đến Định Hóa, Thái Nguyên thì ông trời run rủn cho bà gặp gỡ nên duyên vợ chồng với ông Trần Xuân Hưởng (anh ruột ông Toại) vốn mắc thiểu năng trí tuệ bẩm sinh…

Rồi 2 người con lần lượt ra đời. Nhưng thật trớ trêu cả 2 cùng mắc thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, có lớn mà chẳng có khôn, tâm tính mãi như những đứa trẻ. Để chăm sóc gia đình, bà Đào phải gồng mình đến kiệt sức… Nhưng với bàn tay tật nguyền, bà Đào chỉ có thể làm được những công việc lặt vặt, nhẹ nhàng. Chính vì vậy, cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh này luôn trong cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ đường.

Cuộc sống bất hạnh của người mẹ tâm thần và 2 con thiểu năng trí tuệ - 8

Nỗi truân chuyên của người phụ nữ tật nguyền này chưa dừng lại ở đó. Năm 2001, chồng bà qua đời sau quãng thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan quái ác.

Chồng mất, ngày qua ngày, bà Đào chỉ còn biết cặm cụi nhổ cỏ thuê trên những nương chè, để tính trả nợ dần những khoản vay chữa trị cho chồng trước đó, và chăm sóc 2 đứa con chỉ biết nằm khi được ăn, gào khóc khi đói bụng. Không chỉ vậy, những khi trở trời chúng lại xé quần, xé áo bỏ nhà đi lang thang. Rất nhiều lần, người bà Đào đã phải nhờ hàng xóm đi tìm con cả đêm.

Áp lực cuộc sống quá lớn, khiến người phụ nữ bất hạnh rơi vào trầm cảm, có lần hàng xóm thấy bà Đào ôm 2 đứa con định nhảy xuống dòng suối đang chảy xiết… Mọi người tá hỏa đưa bà đi bệnh viện, thì phát hiện bà mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Cuộc sống bất hạnh của người mẹ tâm thần và 2 con thiểu năng trí tuệ - 7

Sau hơn 1 năm chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên, dù vẫn nhớ nhớ quên quên, nhưng người mẹ này không thể nào quên mình còn 2 đứa con tội nghiệp đang rất cần mẹ chăm sóc. Khi bệnh tình có chút thuyên giảm bà Đào xin xuất viện.

Trở về nhà, do không được uống thuốc đều đặn nên theo thời gian bệnh tình của bà Đào có phần trở nặng. Họ hàng, bà con lối xóm lại phải chung tay để giúp 3 mẹ con người phụ nữ bất hạnh sống qua ngày.

“Căn nhà lá của anh chị ấy đã bị đổ. Nên khi chị ấy từ bệnh viện về thì tôi dành căn nhà của tôi cho 3 mẹ con chị ấy ở nhờ. Gia đình tôi chuyển ra xóm ngoài, nên không thường xuyên chăm sóc mẹ con chị ấy. Cũng may còn có hàng xóm để nhờ vả, chứ không biết phải làm thế nào…”, ông Toại nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Ngà, Chủ tịch UBND xã Bộc Nhiêu cho biết: “Tôi thấy thật khó mà có người phụ nữ nào khổ hơn bà Đào. Bản thân tật nguyền, chồng chết thì lại phát bệnh tâm thần. 2 đứa con thì thiểu năng trí tuệ cần có người chăm sóc cả đời. Trước tình cảnh của mẹ con bà ấy, trước chúng tôi cắt cử người hỗ trợ bà ấy chăm sóc các con. Nhưng còn chỗ ở, và về lâu về dài thì thực sự là bài toán nan giải… Qua đây, đại diện chính quyền địa phương mong mỏi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ 3 mẹ con bà Đào…”.