Nhiều sinh viên đã được ông Nguyễn Trường Hải – tiến sĩ dùng bằng giả, giảng dạy. Theo các nhà giáo dục, trường đại học nên xin lỗi một cách công khai đối với người học.
Cần có quy định chặt chẽ hơn với việc mời thỉnh giảng
Ông Nguyễn Trường Hải – người dùng bằng giả tiến sĩ từng làm giảng viên thỉnh giảng tại rất nhiều trường đại học. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ông Hải làm giảng viên thỉnh giảng trong thời gian 6 năm, từ 2016 đến 2022. Tại đây, ông Hải được giao giảng dạy một số môn Tin học cơ bản.
Ở Trường ĐH Sài Gòn, ông Nguyễn Trường Hải đã từng tham gia giảng dạy 4 môn tại học kỳ 1, năm học 2021 – 2022 (tháng 9/2021 đến tháng 01/2022). Ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Trường Hải thỉnh giảng vào học kỳ phụ (học kỳ 3) của năm học 2021-2022.
Ông Hải cũng thỉnh giảng tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Nha Trang, thử việc tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, Trường ĐH Văn Hiến… Điều đó có nghĩa hàng nghìn sinh viên đã thụ hưởng những tiết dạy của ông Hải.
Giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho rằng, với những sinh viên đã học, khó thể thi lại hay học lại vì điều này ảnh hưởng tới tương lai của các em. Nhưng đây là kinh nghiệm cho các trường đại học khi mời giảng viên thỉnh giảng.
Cần có quy định chặt chẽ hơn với việc mời giảng, kiểm tra bằng cấp và nên có ý kiến của đơn vị chủ quản mà mình mời giảng.
TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, nếu sinh viên học và học phần đấy chỉ có ông Nguyễn Trường Hải giảng dạy, đánh giá, cho điểm thì cần xem lại điểm số đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên không. Với các học phần, bài luận do nhiều giảng viên chấm thi, trường đại học phải chịu trách nhiệm vì bài thi/kiểm tra đánh giá kiến thức sinh viên thu nhận được trong quá trình đào tạo.
Nếu nội dung nào đã được tập thể đánh giá “đạt” không cần xét lại. Tuy nhiên theo ông Phương, các trường cần công khai thừa nhận sai sót vụ giảng viên dùng bằng giả giảng dạy và xin lỗi tất cả sinh viên.
Không chỉ là câu chuyện bằng cấp
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên vụ trưởng, Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng sản phẩm giáo dục là sản phẩm rất đặc biệt, khi đã hoàn thành “sản phẩm” không thể sửa chữa được. Thêm vào đó, các học phần trong chương trình đào tạo sẽ có móc xích với nhau, được sắp xếp theo trình tự của chương trình. Sinh viên học xong môn học nào sẽ học các học phần trong môn học kế tiếp khác để được đánh giá cuối khoá.
Ông Vinh cho rằng, việc tuyển một giảng viên bằng giả vào giảng dạy là lỗi của nhà trường. “Vì danh dự các trường đại học nên có lời xin lỗi người học”- ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, kiến thức cho sinh viên không chỉ duy nhất do việc giảng dạy từ giảng viên mà còn có công sức học hành của sinh viên nên việc quy cho giảng viên giả sẽ bỏ qua sự tự học của sinh viên sẽ không ổn.
Ông Vinh khẳng định, không thể bắt các trường đại học “dạy bù” những tiết ông Nguyễn Trường Hải đã giảng dạy do nhiều môn học có thể bị ảnh hưởng kéo theo. Tuy nhiên nếu thuộc trách nhiệm nhà trường và thấy rằng việc thiếu hụt kiến thức hoặc sinh viên ra trường thấy thiếu kiến thức, nhà trường có thể hỗ trợ bổ sung cho người học theo kiểu đào tạo “hậu mãi”.
Về phía người học, sau thời gian học ở trường cần cố gắng tiếp tục học hỏi ở nơi làm việc, tự nâng cao năng lực qua trải nghiệm từ thực tế.
Nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc các trường đại học tắc trách đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các trường, cũng như uy tín của ngành giáo dục. Chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu còn có trường hợp tương tự? Như vậy, vấn đề ở chỗ không chỉ là câu chuyện bằng cấp mà còn là chất lượng thực về trình độ của giảng viên, không phân biệt được trình độ thật – giả và vấn đề đào tạo tiến sĩ cũng nên được rà soát, chấn chỉnh.
Lãnh đạo một trường đại học lớn ở TP.HCM cho rằng, nhiều trường nhận định chất lượng học của sinh viên không ảnh hưởng. Điều này, phần nào có thể đúng vì việc dạy của giảng viên dùng bằng giả là một phần trong chuỗi đánh giá người học, bên cạnh đề thi, bài giảng, trợ giảng, giảng viên khác.
Tuy vậy, ông cho rằng, các trường đại học đã từng tuyển dụng hoặc mời ông Nguyễn Trường Hải giảng dạy phải rà soát lại toàn bộ quá trình dạy học của ông Hải và sinh viên. Các trường có thể lấy ý kiến sinh viên để xem các em có cần được hỗ trợ gì không?
Chẳng hạn khi các em phát hiện ra thông tin giảng viên của mình dùng bằng giả, các em sẽ đọc lại luận văn và nhớ lại quá trình của mình học. Trong quá trình này, có thể các em thấy rằng có một số điểm ngày xưa muốn làm thế này nhưng thầy giáo lại không hướng dẫn được. Như vậy nhà trường có thể tạo ra một kênh cho sinh viên có cơ hội để gặp nhau, bổ trợ giúp thêm cho người học cũng như để các em hiểu rằng nhà trường luôn bên cạnh các em trong cả quá trình chứ không chỉ thời gian ở trong trường.
“Nhà trường hoàn toàn có thể nghĩ ra biện pháp bù trừ dù không thể bù đắp được mọi thứ, đó là cách để cùng nhau giải quyết vấn đề chứ không thể bỏ lửng vì nghĩ đã đạt chất lượng, ra trường là xong”- ông nói.