Nữ giáo viên Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp khẳng định, việc cô bị nhốt trong lớp diễn ra nhiều lần và cô đã thường xuyên báo cáo với hiệu trưởng.
Liên quan đến vụ nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang), cô giáo H. cho biết, trong tiết học Âm nhạc hôm 29/11, học sinh lớp 7C không thực hiện đúng nội quy, nề nếp và nhiệm vụ của mình.
Vì vậy cô giáo nhắc nhở, cô “không có khúc mắc gì với học sinh”. “Cô làm gì có mâu thuẫn gì với học sinh. Đây là lỗi do học sinh không học, nổi loạn”.
Cô H. kể, đã vào giờ học nhưng học sinh tự do đi ra đi vào, cô nhắc nhở rất nhiều lần nhưng các em không nghe. Sau đó, các em mở nhạc rồi lên bục giảng nhảy. Cô H. nhắc nhở học sinh tắt không được nên đã rút nguồn điện của TV. Một học sinh sau đó lại lên cắm vào, lại mở nhạc và cùng các bạn dưới lớp lên hò reo.Cô giáo H. chia sẻ đã nhiều lần báo cáo vụ việc nhưng không được giải quyết
“Sau đó, các em quây tôi vào bàn giáo viên, cầm mũ và áo rét và muốn trùm lên đầu tôi. Một số em dùng thước kẻ chống xuống đất và dọa nạt”, cô H. kể.
Các em dồn cô giáo vào góc lớp. Cô H. sau khi thoát được ra ngoài (sau khi hết tiết ở lớp 7C) đã sang lớp 6A để dạy tiết 4. Hết tiết học, một số học sinh 7C kéo sang, nhét rác vào cặp cô. Sau đó, các em ném tạ tay và dép vào người cô. Khi cô từ bục giảng đi về phía cửa lớp, nhóm học sinh ném giấy và dép.
“Quả tạ bay vào phần sau gáy, cộng thêm cái dép bay vào nữa nên tôi thấy choáng quá và ngất”, cô H. nói.
Theo cô H., những việc như thế này xảy ra cách đây từ 2 tháng. “Ngày 29/11 là ngày quay clip và đăng lên mạng. Còn tất cả những ngày trước không có clip, nhưng đều náo loạn như thế. Trong giờ của tôi, các lớp khác thì học, nhưng riêng lớp 7C là như thế. Tức riêng môn của tôi, vào lớp là một số em chống đối, mất trật tự, ném dép vào cô giáo, chửi tục, ra vào tự do. Cũng chẳng dám động vào các em, tôi chỉ dám nhắc nhở thôi. Nhưng nhắc nhở không được, mà lớp học đông thế chứ có phải 1 em đâu”.
Theo cô H., việc bị nhốt trong lớp cũng diễn ra nhiều lần và việc này cũng cô thường xuyên báo cáo với hiệu trưởng. “Ngày nào đi dạy học mà bị các học sinh lớp 7C nhốt ở trong lớp, đuổi theo chửi và reo hò trên sân trường, tôi cũng đều báo cáo với hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng không xử lý và còn nói không dạy học được thì nghỉ đi, đừng có báo cáo tôi. Nếu cô còn báo cáo tôi nữa, tôi sẽ xử lý cô”, cô H. kể.
Giải thích về clip camera của lớp 6A ghi lại cảnh cầm dép đuổi học sinh, cô H. cho biết đó là sau khi ngất và tỉnh dậy.Trường THCS Văn Phú nơi xảy ra vụ việc
“Sau khi ngất tỉnh dậy, tôi rất khó thở. Tôi nhắc học sinh giải tán ra ngoài nhưng các em không nghe. Một số em đã trêu ngươi, khiêu khích nên tôi xách đôi giày lên để đuổi học sinh ra khỏi lớp, chứ không đánh em nào. Đến chỗ một học sinh chửi, tôi mới khua giày về phía học sinh. Học sinh này cầm một ghế inox đỡ và đập lên ghế đó vào người tôi. Sau đó, tôi chỉ bị tê cánh tay nhưng ngày hôm sau mới đau ê ẩm”, cô giáo kể.
“Từ cuối học kỳ II năm học trước, một số em lớp 7C, khi đó là 6C, bắt đầu có biểu hiện không tôn trọng giáo viên. Còn tình trạng chống đối, không học, ném dép trong giờ của tôi diễn ra khoảng hai tháng gần đây”, nữ giáo viên nói thêm. Cô cũng cho biết đã nhiều lần báo cáo hiệu trưởng nhưng không được giải quyết.
Cô H. cho hay, những ngày qua, công an cũng nhưng các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm việc nên “các em đỡ hơn, biết sợ hơn”.
“Đầu tuần đến giờ, tôi cũng đã có 1 tiết ở lớp 7C. Vào lớp, một số học sinh vẫn có phản ứng cãi lại. Nhưng sau khi tôi quán triệt luôn thì thấy im. Nói chung vào lớp đó là thấy sợ rồi, chỉ sợ các em bật ghi âm với làm gì đó”.
Nữ giáo viên môn Âm nhạc cho hay, ở góc độ cá nhân, cô mong mỏi 3 bên giáo viên – nhà trường – phụ huynh kết hợp lại với nhau để giáo dục học sinh đến nơi đến chốn, còn ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm.