Nếu không biết cách bảo quản, khoai tây sẽ rất nhanh bị xanh vỏ, mọc mầm. Để khắc phục vấn đề này, bạn hãy làm theo cách dưới đây.
Khoai tây là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Từ nguyên liệu chính là khoai tây, bạn có thể dùng nó để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như canh, súp, chiên, xào, làm bánh, nướng… Mỗi món ăn lại đem đến một hương vị hấp dẫn riêng, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Nhiều gia đình có thói quen mua khoai tây về tích trữ và để dùng dần. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản, khoai tây sẽ bị chuyển sang màu xanh hoặc mọc mầm. Khi này, trong khoai tây sẽ sinh ra các chất độc hại, không tốt cho sức khỏe, tuyệt đối không được sử dụng.
Để khoai tây không mọc mầm, bạn hãy tham khảo cách bảo quản dưới đây.
Bảo quản bằng màng bọc thực phẩm
Nếu bạn chỉ mua một lượng khoai tây nhỏ (khoảng dưới 1kg) thì cách này sẽ rất phù hợp.
Hãy chuẩn bị màng bọc thực phẩm và bọc kín từng củ khoai lại, ép hết không khí bên trong ra ngoài. Cho khoai tây vào túi nilon đen hoặc túi giấy để tránh ánh sáng. Để khoai ở nơi khô ráo, thoáng mát. Cách này sẽ ngăn chặn khoai quang hợp, làm nó không thể nảy mầm.
Bảo quản khoai tây bằng baking soda
Baking soda có thể giúp khoai tây không bị biến thành màu xanh, ngăn chặn khoai tây nảy mầm. Đầu tiên, bạn hãy chuẩn bị một chiếc hộp giấy sạch, khô ráo. Lấy một nắm baking soda rải xuống dưới đáy hộp.
Lần lượt xếp khoai vào hộp rồi cho khăn giấy hoặc báo cũ phủ lên trên. Khăn giấy có khả năng hấp thụ hơi ẩm tốt. Nó sẽ giữ cho khoai luôn khô ráo.
Đóng nắp hộp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Bảo quản khoai tây chung với táo
Bạn hãy chuẩn bị một chiếc hộp, xếp khoai tây gọn gàng và bên trong và đặt thêm táo vào hộp. Táo thải ra khí ethylene có tác dụng ức chế sự nảy mầm của khoai tây. Đóng kín hộp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Thỉnh thoảng hãy mở thùng ra để kiểm tra và thay quả táo mới nếu táo bị hỏng.
Lưu ý, khi bảo quản khoai tây, bạn không nên rửa khoai. Nước sẽ làm khoai nhanh thối hỏng. Nếu muốn làm sạch lớp đất bên ngoài củ khoai, bạn chỉ nên dùng khăn để lau.