Thấy học sinh lười học, nghịch điện thoại trong lớp nên cô nhắc nhở, ai dè nhận được câu trả lời khiến cô đứng hình.
Đôi lúc do người lớn lỡ miệng, tiêm nhiễm vào đầu con cái những suy nghĩ lệch lạc về vật chất khiến trẻ có suy nghĩ thực dụng và ỷ lại vào tiền bạc gia đình. Một học sinh cấp 2 đã khiến cô giáo sượng trân, tức nín thở vì đem lương cô vài triệu so sánh với khoản thu chục triệu của nhà em mỗi tháng. “Lương cô chỉ vài triệu, 5 dãy trọ nhà em tháng thu chục triệu, lo gì”, nhắc nhở học trò chăm chỉ học hành mà bị nói kiểu này thì còn gì thiết tha nữa.
Nhà em giàu mà cần chi học hành
Ở góc độ của cha mẹ và thầy cô, nhiệm vụ quan trọng nhất của con trẻ là học, nhưng ý của người lớn là một chuyện, ý của trẻ lại là chuyện khác. Mới đây một câu chuyện học trò khoe giàu không thèm học được chia sẻ khiến nhiều người vừa cười vừa chán với ý thức của học sinh bây giờ.
Ảnh: ifeng
Theo lời kể của cô giáo giấu tên, cô đang dạy cấp 2, có học sinh lười học, trong giờ học thì ngủ gật, có thức thì cũng lén bấm điện thoại dưới gầm bàn. Thấy vậy cô mới nhẹ nhàng nhắc nhở em lo học hành: “Giờ không chịu học, sau này con phải làm sao?”.
Bất ngờ, học sinh quay lại hỏi cô lương bao nhiêu, sau khi cô giáo nói thật, học sinh bắt đầu thể hiện “sức mạnh tài chính” của gia đình mình. Cậu bé thẳng thắn nói nhà em có 5 dãy trọ, còn có 2 nhà xưởng, tính riêng tiền cho thuê trọ đã vài chục triệu một tháng, cô nghĩ xem em có gì phải lo nữa.
Ý của em này là nhà em giàu rồi đâu cần học hành vất vả. Giáo viên như cô học hành nhiều, đi dạy cực khổ lương tháng chỉ có vài triệu, trong khi nhà em xoàng xoàng tháng thu vài chục triệu rồi.
Quả thực, so với thu nhập hàng tháng của gia đình học sinh, thu nhập của giáo viên thực sự chỉ là số lẻ, học sinh nói cũng không có gì sai. Nhưng thái độ trịch thượng, lên mặt đối đáp với giáo viên của học sinh này thực sự đáng trách.
Ảnh: netease
Sự việc này cũng khiến ta nhận ra một tâm lý mà nhiều học sinh hiện nay mắc phải đó là ỷ vào gia đình, xem nhẹ việc học. Trong mắt nhiều người, học là để tìm một công việc tốt trong tương lai và kiếm tiền, với một số em nhà giàu sẵn, cơ bản không phải quá lo chuyện cố học để kiếm tiền làm gì.
Vốn dĩ không phải lo lắng kiếm sống cả đời, vậy tại sao phải chăm chỉ học hành? Một khi ý tưởng này xuất hiện, nó sẽ bén rễ trong trái tim của nhiều trẻ em. Không chỉ trẻ bị suy nghĩ lệch lạc về mục đích học tập mà một số phụ huynh cũng suy nghĩ nông không kém. Với họ, học hay không không quan trọng, thà để con sớm bước vào xã hội, học nghề rồi đi làm đôi khi còn có ích hơn.
Nhà có lúc mất giá nhưng kiến thức thì không
Lợi ích của việc học không chỉ là tìm việc, có thu nhập tốt mà còn giúp người ta trở thành con người tốt, có cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Cho dù một người có rất nhiều tiền nhưng không học hành tới nơi tới chốn, chỉ biết tiêu xài thì của núi cũng lở. Việc học sẽ giúp mở mang đầu óc, không chỉ biết cách giữ tiền mà còn biết cách làm ra tiền, mang số tiền hiện có đầu tư, mở rộng gia sản gia đình.
Với trẻ em còn cắp sách đến trường, chưa cần nói đến chuyện lớn lao là kiếm tiền mà phải cho con hiểu rằng tiền bạc là cần thiết nhưng kiến thức còn cần hơn, việc học đối với lứa tuổi của con là ưu tiên hàng đầu. Như nhiều người nói vui rằng “nhà có lúc mất giá nhưng kiến thức thì không”.
Ảnh: tea
Có những trường hợp học không cao nhưng vẫn rất thành công, nhưng tiền đề là họ đã nỗ lực thế nào và phải chịu đựng bao nhiêu khổ cực, mất mát. Không phải ai cũng chịu đựng được những khó khăn như thế nên tốt nhất là lo học hành đi các em à.
Quay trở lại với việc học sinh chê lương cô thấp thua cả tiền cho thuê trọ nhà em ấy thì chấp nhận điều em nói là đúng đi, nhưng dù thế nào, học sinh có cách đáp trả cô giáo thế này là thiếu tôn trọng, hành vi trịch thượng, làm sai còn lên mặt, không thể thông cảm. Thiết nghĩ gia đình nên về chấn chỉnh lại con mình học hành tử tế, thái độ đàng hoàng hơn.