Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và giữ xét thăng hạng được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành y tế, giáo dục.
Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nghị định mới đưa ra một số tiêu chuẩn, điều kiện để viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.
Viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật.
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
Viên chức phải đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, phải đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu.
Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện quy định nêu trên, Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi của viên chức.
Như vậy, Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng và giữ quy định về xét thăng hạng.
Bỏ thi thăng hạng sẽ bớt một thủ tục ‘làm khó’ giáo viên. Ảnh minh họa
Với viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ trong thời hạn 6 tháng tiếp theo. Sau 6 tháng, nếu các đơn vị không hoàn thành phê duyệt kết quả thăng hạng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng thì phải thực hiện theo Nghị định này.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 42 bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền hoặc người được phân cấp, ủy quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
Trường hợp viên chức đã trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng nhưng sau đó bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì chưa ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp trúng tuyển.
Khi hết thời hạn xử lý kỷ luật mà không bị kỷ luật hoặc hết thời gian thi hành quyết định kỷ luật hoặc sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì căn cứ vào cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt tại thời điểm xem xét, quyết định bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thời điểm hưởng lương mới, thời gian xét nâng bậc lương lần sau, việc kéo dài thời gian nâng bậc lương (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới bổ nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và giữ xét thăng hạng được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế.
Về các lý do bỏ thi thăng hạng viên chức, theo Bộ Nội vụ: Toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012-2018) chỉ có 6 bộ tổ chức thi. Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có TP. Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.
Trước đó, vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức”. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đang tính toán để thời gian tới bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.