Chương trình mới buộc dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày có khoảng 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết, công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày, một tuần sẽ là 41 tiết.
Ngày 30/10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 12 năm 2023.
Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT có rất nhiều điểm mới như định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục; quy định chia vùng để tính định mức giáo viên…
Bình Thuận hiện là một trong những địa phương thiếu giáo viên tiểu học (Ảnh minh họa: P.T)
Tuy nhiên, “điểm nghẽn” của Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT trước đây về định mức giáo viên đối với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này, sẽ gây khó khăn cho nhiều trường tiểu học khi áp dụng dạy học 2 buổi/ngày trong việc phân công giáo viên giảng dạy.
Tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT trước đây nêu rõ:
“a) Trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp;
b) Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp. [1]
Hiện nay, theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học phải được học 2 buổi/ngày. Tuy thế, khi bố trí cho học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày giáo viên sau khi đã dạy đủ số tiết quy định (23 tiết/tuần) đã phải dạy tăng khá nhiều tiết. Đặc biệt, đối với những khu vực còn thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, do quy định, trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp.
Vì thế, sau khi tính toán đủ định mức giáo viên 1.5/lớp thì những tiết dạy tăng thêm các trường học buộc phải thu tiền từ phụ huynh để trả cho giáo viên dạy vượt tiết.
Khi chương trình mới được xây dựng theo hướng bắt buộc học sinh phải học 2 buổi/ngày thì câu hỏi mà nhiều ý kiến đặt ra là quy định thu tiền của cha mẹ học sinh để chi trả cho buổi học thứ 2 có còn phù hợp?
Với “điểm nghẽn” ở Thông tư 16, các trường mong muốn sẽ có hướng dẫn, thay đổi để phù hợp với việc thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, Thông tư số: 20/2023/TT-BGDĐT
Điểm a, Khoản 1, Điều 7, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, quy định về định mức giáo viên trong trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày quy định:1. Vị trí việc làm giáo viên tiểu học:
a) Trường tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 01 buổi/ngày;
Nghĩa là, so với quy định cũ của Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT trước đây thì định mức giáo viên tiểu học đối với trường dạy 2 buổi/ngày vẫn không thay đổi.
Trong khi, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh thì “Chương trình mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết, cộng với công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày thì số lượng tiết dạy theo tuần sẽ là 41 tiết. Nếu chia theo định mức mỗi GV không dạy quá 21 tiết/tuần thì cần tới 1,8 GV/lớp”.
Báo cáo của Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận về định mức giáo viên giảng dạy trong trường tiểu học, học 2 buổi/ngày gửi Hội đồng nhân dân tỉnh (Ảnh chụp của P.T)
Như vậy, giữa quy định của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT “Trường tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày”, so với yêu cầu từ thực tế cần tới 1,8 GV/lớp lại quá chênh lệch. Điều này sẽ dẫn đến một bất cập lớn, nhà trường sẽ lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả cho sự chênh lệch về định mức giáo viên như thế?
Đơn cử, tại trường tiểu học nơi người viết đang công tác, hiện định mức giáo viên là 1.47/giáo viên/lớp. Giáo viên trong trường hiện đang phải dạy tăng hơn 40 tiết/tuần.
Tuy nhiên, nhà trường chỉ được tính 0.03 giáo viên/lớp nữa (để đủ 1.5 giáo viên/lớp theo quy định) tương ứng với hơn 10 tiết dạy tăng giờ để ngân sách chi trả. Phần còn lại vẫn không biết lấy nguồn nào chi trả cho giáo viên đã dạy tăng tiết?
Đây là bài toán đang làm đau đầu không chỉ hiệu trưởng và cả cấp phòng và cấp sở. Bởi, giáo viên đã bỏ công sức giảng dạy nhưng không có nguồn chi trả, sẽ rất khó khăn khi phân công giáo viên giảng dạy tăng thêm giờ như hiện nay.