Nhiều giáo viên thẳng thắn nói hoạt động dạy thêm mang lại thu nhập tới trăm triệu mỗi tháng, nên ngay cả khi lương ở trường tăng cao họ cũng không bỏ dạy thêm.
Khởi nghiệp ‘nghề’ dạy thêm
Gắn bó 18 năm với nghề giáo, cô Trần Thị Liên (giáo viên dạy Toán một trường THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dạy thêm trong thời đại hiện nay không hoàn toàn xấu và tiêu cực như nhiều người lên án.
Cô Liên thi đỗ chuyên ngành Sư phạm Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1996. Ngày rời quê lên thủ đô học đại học, cô mang theo 4 bộ quần áo, 1 đôi dép và vỏn vẹn 37.000 đồng bố mẹ đưa theo đóng học phí, thuê nhà và sinh hoạt phí.
Nhiều giáo viên kiếm trăm triệu đồng từ dạy thêm.
Sau 4 năm học, tốt nghiệp ra trường, cô Liên quyết định ở lại thành phố, xin làm gia sư dạy thêm 1 – 1. Tuần dạy kín lịch, 6 buổi với 30.000 đồng, không đủ tiền trang trải cuộc sống ở thành phố. Nhiều lần cô muốn bỏ nghề vì dạy thêm thu nhập thấp. Còn xin vào biên chế trường công lại quá khó. Vào được biên chế là ao ước của hàng nghìn sinh viên sư phạm lúc bấy giờ.
Năm 2003 đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của nữ giáo viên, khi em gái chuẩn bị thi vào đại học. Đưa em đi ôn thi, cô chứng kiến cảnh 50 – 60 học sinh chen nhau trong căn phòng chừng 40m2 giữa thời tiết gần 40 độ C. Mức phí đóng học không rẻ, 25.000 đồng/học sinh/buổi học thêm.
Cô nảy lên ý tưởng “khởi nghiệp”, liều xin ba mẹ bán 6 xào ruộng ở quê lấy tiền thuê nhà, mở lớp dạy thêm gần trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu trung tâm chưa nổi tiếng, ít học sinh. Cô và em gái tự đi dán tờ rơi quảng cáo khắp các cổng trường cấp 3 trên địa bàn thành phố, giảm giá tiền học để thu hút học sinh. 3 tháng, 6 tháng trôi qua, lượng học sinh chỉ chừng 20 em, tiền học phí không đủ thuê nhà.
Một người bạn học cũ mách nước cho cô xin vào biên chế một trường THPT lớn ở Hà Nội, lấy danh tiếng giáo viên trường điểm dạy thêm sẽ thu hút được nhiều học sinh. Đúng như lời chỉ dẫn, sau hai năm, lớp học thêm, ôn thi của cô Liên từ 20 em tăng lên 60 – 100, “thu nhập cũng cao dần lên mỗi tháng, đặc biệt mùa cao điểm ôn thi”.
Đến nay, một tuần cô Liên dạy 4 lớp học thêm Toán A, B, C, D. Mỗi lớp chỉ nhận 40 em, tuần học 2 buổi/lớp. Giá mỗi buổi học 100.000 đồng/em (tổng 8 triệu/buổi học/lớp). Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng cô thu nhập trên 120 triệu đồng. Trong khi, mức lương của cô Liên sau 18 năm đi dạy ở trường công chỉ hơn 7,5 triệu đồng. “Việc dạy ở trường là phụ, dạy thêm mới là chính. Tôi cũng được cho là khởi nghiệp thành công từ nghề dạy thêm nhỉ?”, cô giáo nói.
8 ca dạy thêm mỗi tuần, thu nhập một tháng của cô Trần Thị Nhài (giáo viên một trường THCS ở Việt Trì, Phú Thọ) là gần 80 triệu đồng. Cô Nhài đang là giáo viên dạy môn Văn, hưởng lương và phụ cấp bậc 2, cộng thêm tiền phụ cấp trách nhiệm làm chủ nhiệm lớp, mỗi tháng nhận về gần 6,5 triệu đồng.
“Trông chờ vào lương thì có lẽ con tôi nhịn sữa, nhịn bỉm và nhịn luôn cả vitamin mỗi ngày”, cô Nhài nói. Cũng nhờ các lớp dạy thêm mà thu nhập của gia đình tốt hơn. Nữ giáo viên cho rằng, giống như bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ở phòng khám tư ngoài giờ làm việc, kiến trúc sư sau giờ làm được nhận thiết kế riêng… dạy thêm chính là hình thức lao động để giáo viên mưu sinh, kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng đủ đầy đồng nghĩa với mối bận tâm lo toan cho việc học của trẻ ở mỗi gia đình cũng được đặt lên hàng đầu. Ngoài giờ học chính, nhiều phụ huynh có tâm tư, nguyện vọng tìm kiếm thầy giỏi, chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học, trau dồi củng cố kiến thức.
“Tôi cho rằng, dạy thêm theo yêu cầu của người học là chính đáng, không thể cấm và lên án dạy thêm như một việc làm sai. Nhiều đồng nghiệp hỏi tôi lương cao có bỏ dạy thêm không. Tôi nói ngay là không. Dù lương tăng lên 15 – 20 triệu/tháng, thì tôi vẫn sẽ tổ chức dạy thêm tại nhà”, cô Nhài nói.
Cấm đồng nghĩa với bất lực
TS Lê Minh Tuấn, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, việc dạy thêm, học thêm như con dao 2 lưỡi. Nhìn theo chiều hướng tích cực, dạy thêm không xấu nếu việc này thực hiện với mục đích trang bị cho người học hiểu hơn các vấn đề chuyên sâu, phục vụ nhu cầu phát triển cá nhân.
Lớp dạy thêm buổi tối.
Ông cho rằng, chất lượng giáo dục hiện còn hạn chế. Trong đó có nguyên nhân sĩ số học sinh đông, nhiều lớp lên tới 45 – 50 em, thành ra giáo viên khó có thể tạo ra chất lượng đồng đều, giúp từng em tiến bộ, học tập tốt.
Khi đó, học thêm trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh, và nó đem lại một số lợi ích nhất định. Với học sinh yếu kém, học thêm là khoảng thời gian các em được bù đắp lỗ hổng kiến thức, củng cố nền tảng và kỹ năng. Ngoài ra, những em có năng khiếu nếu được bồi dưỡng sẽ phát huy được trí thông minh của mình liên quan các lĩnh vực khác nhau như tư duy logic, ngôn ngữ, âm nhạc….
Chưa kể, với nhiều gia đình, việc học thêm đem lại lợi thế kép khi vừa cung cấp kiến thức, đồng thời giúp họ quản lý trẻ ngoài giờ học, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi có cực nhiều “cạm bẫy” đối với trẻ.
Khẳng định nhu cầu học thêm là có thật, và người dạy thêm nếu đáp ứng nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng, TS Tuấn cho rằng, vấn đề quan trọng là quản lý, giám sát thế nào để việc dạy thêm, học thêm không phát triển sai mục đích, biến tướng thành những chiêu trò trục lợi của người đứng lớp.
“Các cơ quan chức năng, địa phương cấm dạy thêm là thể hiện sự bất lực trong quản lý”. vị chuyên gia nói.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, xét về thị trường, việc dạy thêm, học thêm là hoàn toàn bình thường, bởi bất cứ ngành nghề nào cũng thỏa mãn quy luật “cung – cầu” thì mới tồn tại và phát triển, giáo dục cũng không ngoại lệ.
Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng cần sớm đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, coi dạy thêm như một ngành dịch vụ được đăng ký, có sự quản lý của nhà nước, nộp thuế và bình đẳng như các loại dịch vụ khác.
Trào lưu dạy thêm tràn lan cũng một phần đến từ phụ huynh. Phụ huynh không tạo điều kiện cho trẻ tự phát triển khả năng tiềm ẩn của mình màđể các em chạy theo điểm số, bằng cấp. Sự có mặt của hệ thống trường chuyên, lớp chọn… khiến cuộc chạy đua này không hồi kết và sự học mất đi tính bình đẳng.
“Theo tôi, nhà nước cần nhất quán, lựa chọn quan điểm nhất định: hướng việc dạy thêm theo phát triển thị trường, hay ưu tiên nâng cao giáo dục thì việc chỉ đạo, đưa ra giải pháp xử lý mới được rõ ràng, ngọn ngành và phù hợp”, ông Lâm nói.
Trách nhiệm của địa phương ở đâu?
PSG.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) từng chia sẻ, Bộ GD&ĐT có Thông tư 17 quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
“Bộ GD&ĐT đã có quy định là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khoá, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên dạy sâu hơn một phần nội dung, kiến thức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường ở lớp học thêm. Khi đó, những em không học thêm lo lắng việc không được đảm bảo quyền lợi”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, và đây là nhu cầu chính đáng.
Bộ GD&ĐT quy định cụ thể các trường hợp không được dạy thêm, gồm: không dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống).
Về dạy thêm học thêm trong nhà trường, Bộ yêu cầu phải tuân thủ các quy định. Theo đó, học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, cha mẹ ký. Nhà trường sau đó tổ chức phân nhóm học sinh theo năng lực, không dạy cào bằng và phân công giáo viên phụ trách môn học dạy thêm theo đúng nhóm năng lực học sinh.
Để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định ở chỗ này, chỗ khác tại các địa phương có trách nhiệm của đơn vị quản lý tại địa bàn.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, quản lý dạy thêm, học thêm cần giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó cần cả những quy định về luật, quy định mang tính hành chính, cần cả những giải pháp chuyên môn và giải pháp về quan điểm, tinh thần, thái độ, dư luận xã hội.
Nhóm giải pháp về lĩnh vực chuyên môn như vấn đề chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá là những vấn đề Bộ đang triển khai. Về kiểm tra, đánh giá, thời gian tới trong các phương án đổi mới kiểm tra, Bộ tính đến việc điều chỉnh phương án thi THPT và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này….
Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 – 2020, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, cho biết chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay.
Theo đó, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%. Nhiều phụ huynh có con học THCS cho rằng việc Bộ GD&ĐT có đề xuất miễn học phí cho tất cả học sinh cấp THCS kể từ năm học 2022 – 2023 là tín hiệu đáng mừng, tuy vậy, số tiền được miễn này chẳng thấm tháp gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh phải bỏ ra hằng năm. Phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền học buổi 2, tiền học thêm, học câu lạc bộ ngoài giờ.