Khi có sổ đỏ, người dân sẽ được hưởng những quyền lợi rất lớn.
Khái niệm sổ đỏ, sổ hồng?
Pháp luật về đất đai từ trước tới nay không quy định thế nào là sổ đỏ, sổ hồng. Tuy nhiên, đây là từ người dân thường sử dụng để gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của giấy chứng nhận.
Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới như sau: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Tóm lại, sổ đỏ là giấy chứng nhận có bìa màu đỏ; sổ hồng có 2 loại, sổ hồng theo mẫu cũ và sổ hồng mới có màu cánh sen.
Sổ đỏ
Sổ đỏ được cấp theo Nghị định theo Nghị định 64-CP; Thông tư 346/1998/TT-TCĐC cho nhiều loại đất. Bao gồm, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc khu vực nông thôn, đất chuyên dùng các loại. Các thửa đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn.
Hiện nay, có 2 loại sổ đỏ, gồm sổ đỏ chỉ có đất và sổ đỏ có cả đất và tài sản gắn liền với đất được cập nhật vào sổ.
Sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình, hoặc cá nhân. Đối với sổ đỏ cấp cho hộ gia đình, chủ hộ sẽ là người đứng tên sổ đỏ được ghi ở trang 1 sổ đỏ. Khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình.
Đối với sổ đỏ cấp cho cá nhân, chỉ có những ai đứng tên trên sổ đỏ mới có quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, cho tặng… Trường hợp tài sản chung của vợ chồng thì chỉ có vợ/chồng mới có quyền đứng tên.
Thẩm quyền quyết định cấp sổ đỏ: Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký duyệt cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản… Còn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký duyệt cấp sổ đỏ cho các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê, sử dụng đất; tổ chức cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam; hộ gia đình cá nhân sử dụng loại đất thuộc nội thành phố, nội thị xã…
Những lợi ích quan trọng mà sổ đỏ đem lại bạn nên biết
Là căn cứ xác nhận chủ đất
Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo như quy định nêu trên, trường hợp được Nhà nước cấp sổ đỏ sẽ là căn cứ để xác định ai là người có quyền sử dụng đất, ai là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất
Theo Điều 75 Luật Đất đai 2013, điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là khi người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận mà chưa được cấp, (trừ trường hợp theo Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai).
Căn cứ để thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai
Việc có hoặc không có giấy chứng nhận là một trong những căn cứ giúp các bên tranh chấp lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau
– Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện).
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Căn cứ xác định loại đất
Theo Khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2013, việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10.12.2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng
Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật này.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, theo quy định nêu trên, giấy chứng nhận là một trong những điều kiện để người dân thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.