Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Tư pháp đưa pháp luật vào với cuộc sống của người dân và tăng cường phổ biến pháp luật nhiều hơn nữa.
Ngày 25.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021 – 2026).
Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành gần 3.800 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, hơn 2.600 văn bản cấp huyện và hơn 1.700 văn bản cấp xã…
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Cũng theo Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, năm 2023, các hoà giải viên trong toàn quốc đã tiếp nhận trên 90.000 vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành trung bình hơn 84%.
Bộ Tư pháp đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản, công chứng và giám định tư pháp. Đặc biệt, Bộ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 cho ý kiến đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản.
Bộ và ngành tư pháp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Các đấu giá viên đã thực hiện hơn 41.900 cuộc đấu giá thành, thu hơn 545.600 tỉ đồng vượt hơn 101.900 tỉ đồng so với giá khởi điểm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
BTP
Trong năm 2024, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao trong công tác thi hành án. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là vụ việc trọng điểm, vụ việc phức tạp, kéo dài, vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Ngành tư pháp việc gì cũng nhiều và phải làm gấp. Do đó, tôi đề nghị chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa về hoàn thiện thể chế, vì vai trò của Bộ Tư pháp là rất lớn. Đồng thời Bộ Tư pháp phải đưa pháp luật vào cuộc sống, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
Theo báo cáo, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06. Đặc biệt lần đầu tiên ngành tư pháp tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, thông qua việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – hỗ trợ mai táng phí.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại. Đồng thời kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu.