Kể từ tháng 7 năm 2024, sẽ có một số chính sách quan trọng về Bảo hiểm y tế có hiệu lực.
Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế là loại bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng do cơ quan nhà nước ban hành nhằm phục vụ bảo vệ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, không vì mục đích lợi nhuận.
Người dân khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả hộ một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh nhằm hỗ trợ người tham gia giảm thiểu các chi phí chăm sóc sức khỏe hay các chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khoẻ,… trong những trường hợp như tai nạn, bệnh tật,…
Có những loại hình tham gia BHYT nào?
Bảo hiểm y tế có hai loại hình là bắt buộc và tự nguyện.
1) Bảo hiểm y tế bắt buộc là hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và quản lý, áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
2) Bảo hiểm y tế tự nguyện là hình thức bảo hiểm do các công ty bảo hiểm tư nhân cung cấp, áp dụng đối với những người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Quyền lợi của người tham gia BHYT tại Việt Nam là gì?
Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân khi gặp phải các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn. Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi đi khám chữa bệnh như sau:
– Được cấp thẻ bảo hiểm y tế: Đây là giấy tờ chứng minh quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng trên toàn quốc và được cấp miễn phí cho người tham gia.
– Được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình: Người tham gia có thể đóng BHYT theo hộ gia đình của mình, bao gồm vợ/chồng, con cái, cha mẹ, ông bà… Đây là một cách tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho việc quản lý.
– Được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu: Người tham gia có quyền tự chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo nhu cầu và điều kiện của mình. Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là nơi người tham gia đăng ký khám chữa bệnh đầu tiên trong năm.
– Được khám chữa bệnh: Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền được khám chữa bệnh theo các dịch vụ trong danh mục của Bộ Y tế. Người tham gia có thể khám chữa bệnh ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc được chuyển tuyến theo chỉ định của bác sĩ.
– Được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế: Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền được thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế theo các mức hưởng khác nhau tuỳ thuộc vào loại hình dịch vụ, loại hình người tham gia và loại hình khám chữa bệnh. Mức hưởng có thể từ 40% đến 100% chi phí khám chữa bệnh.
Một số chính sách BHYT có hiệu lực tháng 7/2024
Thẻ BHYT được tích hợp vào thẻ Căn cước từ 01/7/2024
Theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước, thông tin thẻ BHYT sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước cấp từ ngày 01/7/2024 theo đề nghị của công dân.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Theo đó, khi tích hợp thông tin thẻ BHYT và thẻ Căn cước, người dân có thể dùng thẻ Căn cước để khám, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục về BHYT.
Người dân được tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ Căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.
Việc khai thác thông tin thẻ BHYT tích hợp trong thẻ Căn cước được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị chuyên dụng.
Thay đổi mức đóng thẻ BHYT từ 01/7/2024
Hiện nay, mức đóng BHYT tính được tính theo mức lương cơ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên tại Nghị quyết Nghị quyết 104/2023/QH15, Quốc hội đã chính thức thông qua thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, bãi bỏ chế độ tiền lương tính theo mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024. Kể từ thời điểm này, mức đóng BHYT rất có thể sẽ bị ảnh hưởng theo sự thay đổi của lương cơ sở.
Thêm đối tượng được hỗ trợ tiền đóng BHYT từ 01/07/2024
Khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ 01/07/2024 đã bổ sung người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Trong đó, Điều 23 Luật này nêu rõ, gười tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ tiền đóng BHYT và bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Điều 24 Luật này hướng dẫn thêm, khi người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ đã tham BHYT và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Người chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
– Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; người trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.
– Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
– Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
– Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
– Đang thường trú/tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trường hợp đã có thời gian phục vụ trong Công an, Quân đội, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
– Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám, chữa bệnh.
(Căn cứ Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở)