Ngay sau khi đề thi Văn cuối kỳ 1 lớp 8 ở TP.HCM về hình ảnh thầy giáo được chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số giáo viên cho biết, câu chuyện này không nên đưa vào đề thi.
Đề thi Văn cuối kỳ 1 lớp 8 ở TP.HCM gây tranh cãi có nội dung gì?
Ngày 27/12, một đề thi Văn cuối kỳ 1 lớp 8 ở TP.HCM chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, đề thi này cho ngữ liệu câu chuyện về một thầy đồ… ăn tham. Một hôm có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Trông thấy mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Thầy cầm bánh đưa cho học trò và bảo con cầm lấy. Học trò tưởng thầy cho liền bóc bánh ăn thì lúc về đã bị thầy trả thù.
Phía sau câu chuyện là 5 câu hỏi dành cho học sinh.
Đề thi gây tranh cãi. Ảnh: CMH
Được biết, đây là đề thi Văn cuối kỳ 1 lớp 8 một trường ở quận 3, TP.HCM. Một số người cho biết đề thi bình thường, câu chuyện cũng bình thường vì nghề nào cũng có người nọ người kia. Tuy nhiên, một số ý kiến cho biết “vừa giận, vừa buồn khi đọc đề vì ngữ liệu thiếu tế nhị, hạ thấp hình ảnh nhà giáo”.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên ở TP.HCM cho hay: “Đọc đề thi này chúng ta lại nhớ lại vụ việc cách đây mấy năm câu chuyện về một thầy đồ tương tự được dư luận và báo chí mổ xẻ.
Trong sách Ngữ văn lớp 10 chương trình cũ, học sinh có học câu chuyện về một thầy đồ dốt nhưng đi dạy chữ đã bị người nhà phát hiện ra. Thầy không xấu hổ mà tìm cách chống chế. Qua đó, học sinh rút ra bài học làm nghề gì cũng cần phải có kiến thức, học cao hiểu rộng. Đặc biệt, các em được hiểu về nghệ thuật, bản chất của truyện cười dân gian.
Còn học sinh học lớp 8 chương trình mới mà đưa câu chuyện này vào đề thi khiến tôi băn khoăn. Thứ nhất, danh xưng “mày-tao” không phù hợp với môi trường sư phạm. Thứ hai, học sinh lớp 8 chưa được học câu chuyện này nên sẽ có những bình luận, nhận xét, đánh giá theo cảm tính mà không hiểu được bản chất. Nếu như học sinh THPT thì các em sẽ hiểu được thấu đáo, còn lớp 8, đề thi chưa phù hợp tâm lý lứa tuổi.
Về câu hỏi yêu cầu học sinh rút ra bài học. Nếu như các em viết ra những lời về thầy cô rất tiêu cực như giả dối, tham lam thì chắc thầy cô chấm bài cũng thật đau lòng. Bên cạnh đó, câu 2 và câu 5 nội dung trùng lặp khi đều hỏi học sinh viết ra những bài học thông qua câu chuyện này”.
Thầy giáo nhấn mạnh: “Đề thi này không phù hợp với học sinh lứa tuổi 14. Kho tàng truyện dân gian có nhiều câu chuyện hay mang tính giáo dục, phù hợp tâm lý lứa tuổi. Đề thi khi đặt ngữ cảnh cũng cần lưu ý ý đồ thẩm mỹ, giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Bên cạnh đó, dù mỗi ngành nghề đều có “người nọ người kia” nhưng câu chuyện thầy đồ tham ăn chỉ ở trong thời ngày xưa. Khi đó, cả thầy, cả trò đều đói nên nảy sinh tính tham ăn. Thời ngày nay, không nên đề cập đến đề tài đói kém. Chúng ta chỉ nên nhắc cho học sinh biết về một thời trong lịch sử mà thôi”.