Tranh vẽ thể hiện một phần nội tâm của trẻ, thông qua đó cha mẹ có thể biết trẻ muốn gì, tâm trạng hiện tại của trẻ như thế nào.
Do còn ít tuổi, khả năng diễn đạt còn hạn chế nên nhiều trẻ chọn cách khác để thể hiện suy nghĩ bên trong của mình. Có một cách mà trẻ sử dụng thường xuyên nhất chính là vẽ và tô màu. Thông qua màu sắc và hình khối, trẻ có thể thể hiện những cảm xúc khác nhau của mình, bất chấp việc không phải lúc nào người lớn cũng hiểu hết.
Thiến Thiến, con gái 7 tuổi của cô Lý có tính cách khá hướng nội, không thích tiếp xúc với người lạ. Nhưng Thiến Thiến đặc biệt thích vẽ, từ phong cảnh cho đến bất kỳ thứ gì cô bé nhìn thấy. Cô Lý thấy vậy nên đã đăng ký cho con mình một lớp học vẽ. Nhờ vậy, kỹ năng vẽ tranh của Thiến Thiến ngày càng được cải thiện. Những bức vẽ của cô bé còn được giáo viên mang đi dự thi và giành nhiều giải thưởng.
Sau đó, cô Lý nhận ra con mình thường vẽ rắn, đủ các loại rắn khác nhau. Nhưng tổng thể bức tranh khá u ám, thường dùng tông màu tối, xung quanh con rắn còn có những con vật khác vây quanh.
Cô Lý cho rằng đó là kỹ thuật vẽ mới mà còn gái học được trên lớp nên cũng không quá để tâm. Một bức tranh vẽ rắn của Thiến Thiến còn đoạt giải khiến cô Lý càng thêm vui mừng.
Một ngày nọ, một người bạn của cô Lý là cô giáo khoa tâm lý đến thăm nhà và thấy bức tranh đoạt giải của Thiến Thiến. Cô Lý khoe tài hội họa của con gái nhưng người bạn lại tái hết mặt và nói với cô Lý rằng: “Có khả năng ở trường Thiến Thiến đã gặp phải một vài tổn thương. Cậu nên cho con bé đi gặp bác sĩ tâm lý và gọi cảnh sát đi”.
Cô Lý rất ngạc nhiên vì những gì người bạn nói. Mặc dù bối rối, cô vẫn đưa Thiến Thiến tới bệnh viện để gặp bác sĩ tâm lý. Dưới sự dẫn dắt của bác sĩ, Thiến Thiến đã tiết lộ sự thật rằng cô bé từng bị bắt nạt ở trường trong một thời gian dài. Vì sợ hãi, Thiến Thiến đã không nói với cha mẹ mình, và chỉ có thể bày tỏ sự bất an và căng thẳng của mình qua các bức tranh.
Thực tế thì trẻ em tuy còn nhỏ nhưng có thể bày tỏ tâm tư của mình thông qua hội họa, dùng hội họa để nói lên suy nghĩ của mình.
Tranh có thể thể hiện cảm xúc của trẻ
Người lớn có thể biểu thị cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể còn trẻ nhỏ, kỹ năng này chưa được hoàn thiện. Vì vậy chúng chỉ có thể dùng các hình khối và màu sắc để diễn đạt. Nếu trẻ có tâm trạng không tốt thì tranh của chúng cũng bị ảnh hưởng và trở nên lộn xộn. Nếu tâm hồn trẻ thấy vui, chúng sẽ thường sử dụng màu sắc tươi sáng để thể hiện niềm vui của chúng khi vẽ tranh.
Màu sắc của tranh thể hiện tính cách của trẻ
Màu sắc có thể phản ánh tính cách của con người. Thông qua màu sắc một người thích, chúng ta có thể suy luận phần nào về tính cách của người đó. Thực tế thì điều này cũng có thể áp dụng với trẻ em.
Chẳng hạn một đứa trẻ thích dùng màu đỏ chứng tỏ đứa trẻ đó là một người vui vẻ, nhiệt tình. Trẻ thích dùng màu đen, màu xám thì chắc hẳn trong lòng đang có những lo lắng, thậm chí thất vọng nhất định. Tất nhiên, những màu sắc khác nhau cũng đại diện cho những tính cách khác nhau của trẻ.
Các đồ vật được vẽ thể hiện suy nghĩ bên trong của trẻ
Trẻ thường có suy nghĩ trong sáng và chúng sẽ vẽ bất cứ điều gì chúng nghĩ trong lòng. Nếu trẻ có người mình thích, thì trẻ sẽ thể hiện cảm xúc này thông qua tranh vẽ, và hầu hết đồ vật trong tranh đều là hình dáng của người trẻ thích.
Nếu trẻ không có được thứ mình muốn, chúng cũng sẽ vẽ ra những thứ không có được đó. Trong những bức tranh này, điều ẩn chứa là những suy nghĩ mà trẻ em không thể và không dám bày tỏ.
Những bức tranh của trẻ có thể nói với cha mẹ rất nhiều điều, bao gồm cả nội tâm, tâm trạng cũng như trạng thái hiện tại của trẻ. Chúng đang cố gắng giao tiếp với thế giới theo cách riêng của chúng, vậy nên cha mẹ hãy thật lưu tâm để có thể thấu hiểu con cái hơn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra nhé.