Tỏi ngâm giấm có thể dùng kèm với nhiều món ăn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tỏi ngâm giấm là món ăn kèm quen thuộc trong các bữa ăn. Tỏi ngâm có vị chua dịu, giúp cân bằng hương vị cho các món ăn. Bạn có thể dùng tỏi ngâm cùng các món bún, pha nước chấm…
Làm tỏi ngâm giấm không khó nhưng có một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải là tỏi bị xanh.
Nguyên nhân khiến tỏi ngâm giấm bị xanh
Tỏi ngâm giấm bị xanh thường do hai nguyên nhân. Một là do tỏi non, hai là do tỏi còn nhiều nhựa. Vì vậy, để tránh tình trạng tỏi ngâm bị xanh thì bạn nên chọn củ tỏi già, đầy đặn, lớp vỏ khô ráo, không nhăn nheo.
Sơ chế tỏi
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch bằng nước sôi để nguội. Bạn có thể để tỏi nguyên củ hoặc cắt lát tùy sở thích. Để nguyên củ thì tỏi sẽ lâu chua và giữ được độ giòn, giữ được nhiều tinh dầu hơn. Khi cắt lát, lượng tinh dầu trong tỏi sẽ giảm nhưng lại nhanh chua, tiện lấy ra ăn hơn.
Đổ một bát nước vào nồi, thêm một thìa cà phê muối và đun sôi. Khi muối tan hết thì tắt bếp và để thật nguội. Sau đó, cho tỏi vào nồi ngâm trong nước muối khoảng 1 giờ. Tiếp đó, vớt tỏi ra để ráo nước.
Bạn có thể chuẩn bị thêm ớt để ngâm cùng tỏi. Phần ớt cắt bỏ cuống, rửa bằng nước đun sôi để nguội rồi để ráo. Ớt có thể để nguyên quả hoặc cắt miếng tùy sở thích.
Pha nước ngâm tỏi
Cho giấm gạo ngon, nước và một ít đường vào nồi. Bật bếp và đun cho hỗn hợp sôi lên, đường tan hết thì tắt bếp. Để cho nước nguội hoàn toàn.
Ngâm tỏi
Lọ ngâm tỏi cần được tiệt trùng bằng nước nóng rồi để khô ráo (nên sử dụng lọ sành sứ hoặc thủy tinh để ngâm tỏi). Cho tỏi, ớt vào lọ, đổ nước ngâm và đậy nắp. Để lọ tỏi ớt ở nơi thoáng mát. Ngâm khoảng 2-3 ngày là có thể dùng được.
Nghiên cứu cho thấy, tỏi ngâm trong môi trường axit nhẹ của giấm sẽ giúp làm tăng hiệu quả của tỏi so với khi dùng tỏi sống. Tỏi phi sẽ giúp giảm độ hăng nhưng nhiệt độ cao sẽ làm mất đi một phần tự nhiên, làm giảm công dụng của tỏi.
Sử dụng tỏi có thể giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ trị cảm cúm, cảm lạnh. Mỗi ngày nên dùng 2 tép tỏi (khoảng 4-6 gram) mỗi ngày.