Bánh chưng là thực phẩm quen thuộc trong ngày Tết, tuy nhiên thời gian bảo quản thông thường không được quá lâu, là lo ngại của nhiều gia đình.
Nhắc đến những thực phẩm quen thuộc, được đánh giá là không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên bánh chưng. Từ khoảng đầu tháng Chạp (tức tháng 12 Âm lịch) năm trước, nhiều gia đình đã bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị, mua bánh chưng để bày trong các mâm cơm cúng vào các ngày quan trọng, hay làm quà tặng cho bạn bè, đối tác, người thân.
Tuy nhiên, đa phần các loại bánh chưng đều không có thời gian bảo quản quá lâu. Theo các bác sĩ, chuyên gia, con số về “hạn sử dụng” tối đa khi gia đình bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh là khoảng 3-4 tuần, tương đương với khoảng 1 tháng. Nếu để ở nhiệt độ thường, tức là bên ngoài phòng, con số này sẽ chỉ được từ 3-7 ngày, tùy vào tình hình thời tiết.
Giải quyết cho nỗi lo về thời gian bảo quản bánh chưng, vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, một loại bánh chưng mới đã xuất hiện. Theo thông tin ghi trên bao bì, loại bánh chưng này có thể để được ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C mà vẫn thơm ngon, không hỏng trong thời gian lên tới 6 tháng. Bí quyết thật sự là gì?
Bí quyết đặc biệt tạo nên những chiếc bánh chưng đặc biệt
Theo thông tin trên bao bì của loại bánh chưng này, bánh chưng được tạo nên bởi công nghệ tiệt trùng ở 121 độ C và công nghệ bao bì tiệt trùng retort 4 lớp. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm – trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, 2 công nghệ này giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, vi sinh vật trong quá trình chế biến và đóng gói bánh chưng.
Sau khi hoàn thành khâu chế biến và xử lý, bánh tiếp tục được đóng gói chân không. Bởi những bí quyết đặc biệt trên mà bánh chưng, chỉ cần chưa bóc vỏ, có thể để được ở môi trường ngoài với nhiệt độ thường, thời gian lên tới 6 tháng mà chẳng cần tới chất bảo quản.
Hiện nay, không chỉ thương hiệu bánh chưng được nhắc tới ở trên, mà đã và đang có rất nhiều thương hiệu khác nữa áp dụng các công nghệ hiện đại trong khâu sản xuất, bảo quản các loại thực phẩm. Không chỉ đem lại món ăn ngon, diều này còn tiện lợi, thân thiện hơn với sức khỏe người tiêu dùng. Khâu đóng gói bao bì thành thành phẩm với mẫu mà bắt mắt cũng là một trong những yếu tố giúp sản phẩm được ngời dùng ưa chuộng, lựa chọn để bày hay đem đi biếu, tặng vào các dịp quan trọng trong năm, như Tết Nguyên đán.
Bánh chưng thông thường bảo quản như thế nào?
Là thực phẩm quen thuộc trong dịp Tết, mỗi gia đình thường sở hữu ít nhất 1 cho đến nhiều chiếc bánh chưng. Việc này cũng vô tình dẫn đến trường hợp nhiều gia đình không thể tiêu thụ hết bánh chưng. Vậy với bánh chưng thừa, đặc biệt là những cái đã bóc vỏ, nên bảo quản thế nào cho đúng, hạn chế việc bánh bị hỏng, phải bỏ đi, gây lãng phí?
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, với những loại bánh chưng chưa bóc vỏ, gia đình có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc ngăn mát tủ lạnh, tùy điều kiện. Song với bánh chưng đã bóc vỏ, nhất định nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ duy trì ở mức 4 độ C. Khi lấy bánh chưng tủ lạnh ra ngoài, các gia đình nên hâm nóng, đun nóng hoặc rán lại để tránh việc ăn phải bánh chưng bị lại gạo (bị sống).
Nếu phát hiện bánh chưng có những dấu hiệu lạ như sau thì nên bỏ đi ngay. Các dấu hiệu bao gồm bánh chưng bị chảy nước, có mùi ôi thiu, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh hay xuất hiện các đốm đen lạ. Khi bánh đã hỏng, người dùng không nên cố luộc hay rán để sử dụng tiếp, hay không nên cắt bỏ phần có dấu hiệu lạ đi. Thay vào đó, hãy bỏ bánh đi. Việc tiếp tục sử dụng bánh chưng có dấu hiệu lạ rất dễ gây ra các chứng ngộ độc, rối loạn tiêu hóa…