Ốm đau là một trong những chế độ thuộc bảo hiểm xã hội. Khi người lao động ốm đau nhập viện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định. Vậy khi nào người bệnh được xuất viện và người bệnh cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm trong thời gian nằm viện?
1. Người bệnh được xuất viện khi nào?
Thời gian người bệnh được xuất viện là một trong những nội dung được quy định cụ thể tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Theo đó, tại khoản 5 Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người bệnh được ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
– Khi người bệnh đã khỏi bệnh hoặc tình trạng của người bệnh đã được ổn định.
– Khi có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh đối với trường hợp người bệnh mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người bệnh là người chưa thành viên.
Người bệnh được xuất viện khi nào? (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định tại khoản 6 Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, khi người bệnh ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện các công việc dưới đây:
– Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án cho người bệnh.
– Hướng dẫn cho người bệnh để tự chăm sóc sức khỏe của bản thân.
– Chỉ định điều trị ngoại trú trong các trường hợp cần thiết.
– Quyết toán các chi phí về việc khám, chữa bệnh cho người bệnh.
– Cung cấp giấy ra viện cho người bệnh theo mẫu quy định.
Như vậy, khi người bệnh điều trị nội trú thì thời điểm được xuất viện là khi người bệnh đã khỏi bệnh/tình trạng bệnh đã ổn định hoặc có cam kết của người bệnh/người đại diện của người bệnh.
2. Ra viện cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm?
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định, đồng thời phải chuẩn bị các hồ sơ cần thiết.
Ra viện cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm? (Ảnh minh hoạ)
Căn cứ Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau thì khi người bệnh ra viện muốn hưởng bảo hiểm phải có giấy tờ sau:
– Bản chính/bản sao giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh.
– Trường hợp người bệnh khám, chữa bệnh tại nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt của giấy khám chữa bệnh do cơ sở khám, chữa bệnh tại nước ngoài cấp.
Trong trường hợp bệnh nhân nằm viện được hưởng chế độ thai sản thì theo quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 phải chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Bản sao giấy khai sinh/giấy chứng sinh của con.
– Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết.
– Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng sức khoẻ của mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khoẻ chăm sóc con.
– Bản trích sao hồ sơ bệnh án/giấy ra viện của người mẹ (trong trường hợp con chết sau sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh cho con).
– Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc dưỡng thai đối với trường hợp tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
– Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì phải có bản sao giấy ra viện.
Lưu ý: Giấy ra viện phải đảm bảo tuân thủ theo đúng nội dung và hướng dẫn được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 18/2022/TT-BYT. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 56/2017/TT-BYT, thẩm quyền cấp giấy ra viện là cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn và được phép điều trị nội trú.
3. Nằm viện có được hưởng lương không?
Theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Như vậy, nằm viện được xem là nghỉ do ốm đau, thai sản cũng thuộc một trong các chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhận.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, trong thời gian người lao động nằm viện thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định và người sử dụng lao động sẽ không phải trả lương trong khoảng thời gian nằm viện của người lao động.