Bên cạnh các trường hợp buộc phải phá dỡ công trình xây dựng không phép, trái phép thì pháp luật còn quy định những trường hợp xây dựng trái phép không bị phá dỡ.
Khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định:
“2. Hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, xảy ra sau ngày Nghị định số 180/2007/NĐ-CP có hiệu lực, mà đã kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
3. Hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 13 và khoản 2 Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, mà đã kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP”.
Xây dựng trái phép không bị phá dỡ nếu đủ điều kiện (Ảnh minh họa)
Theo đó, những trường hợp xây dựng không phép, trái phép được cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt, cụ thể:
Căn cứ
Hành vi vi phạm
Điều kiện không bị phá dỡ
1. Khoản 2 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
– Công trình xây dựng theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng mà không có giấy phép xây dựng.
Điều kiện cần gồm:
1. Xảy ra sau ngày 04/01/2008 mà đã kết thúc trước ngày 15/01/2018;
2. Không vi phạm chỉ giới xây dựng;
3. Không gây ảnh hưởng các công trình lân cận;
4. Không có tranh chấp;
5. Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;
6. Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện đủ: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép sau khi chủ đầu tư nộp phạt.
– Công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng).
2. Khoản 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
– Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo.
Điều kiện cần gồm:
1. Hành vi vi phạm kết thúc trước ngày 15/01/2018;
2. Không vi phạm chỉ giới xây dựng;
3. Không gây ảnh hưởng các công trình lân cận;
4. Không có tranh chấp;
5. Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;
6. Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện đủ: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép sau khi chủ đầu tư nộp phạt.
– Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới.
– Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
– Xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng.
– Hành vi xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai thiết kế được phê duyệt theo quy định của Nghị định 23/2009/NĐ-CP mà đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, nhưng đến ngày 30/11/2013 vẫn chưa thực hiện.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng:
– 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ;
– 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình.
Kết luận:
1. Không phải tất cả các trường hợp xây dựng không phép, trái phép nộp phạt sẽ được phép tồn tại mà chỉ những trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP được trình bày tại bảng trên sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng (không bị phá dỡ).
2. Những trường hợp xây dựng không phép, trái phép kể từ ngày 15/01/2018 trở về sau sẽ bị phá dỡ nếu hành vi vi phạm đã kết thúc. Do vậy, hiện nay trước khi khởi công xây dựng công trình thì phải có giấy phép (trừ được hợp được miễn) và phải thi công theo đúng giấy phép để tránh bị phá dỡ.