Khi xuất khẩu loại hạt này được bán với giá khoảng 700.000 đồng/kg nhưng vẫn ‘cháy hàng’.
Đó là macca (mắc ca), là hạt của cây macadamia, một loại cây phổ biến có xuất xứ từ nước Úc. Là loại hạt có vỏ cứng màu nâu, có nhân to tầm 3cm, màu trắng sữa, vị ngọt bùi. Ngày nay đã được nhập về, thử nghiệm trồng ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đây là loại hạt chứa nhiều chất béo tốt cần để giảm cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt giúp cho hệ thống tim mạch khỏe mạnh, ngăn cản tắc nghẽn xơ vữa động mạch.
Hạt macca rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bà bầu.
Hạt macca cũng là loại hạt duy nhất chứa axit palmitoleic giúp đốt cháy chất béo và kiểm soát sự thèm ăn. Giúp bạn bớt thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Macca còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, nguyên tố khoáng cần thiết cho sự trao đổi chất, giúp cải thiện trí nhớ, làn da của bạn. Ngoài ra quả Macca còn rất tốt cho bà bầu.
Thông thường, cây mắc ca sau 3 – 4 năm trồng sẽ bắt đầu cho quả thu hoạch và sau 10 năm thì năng suất ổn định. Ở Việt Nam, thời điểm thu hoạch mắc ca lý tưởng là khi quả bắt đầu chín, thường là tháng 7 – 9, thời gian từ khi cây giống mắc ca ra hoa đến lúc quả chín là khoảng 215 ngày, quả chín có thể tự rụng.
Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2022, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc ca, tổng diện tích trên 20.000 ha.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hong Kong (TQ), Hà Lan, Mỹ… Sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chủ yếu là hạt sấy khô, nhân. Đến cuối năm 2022, hạt mắc ca cũng đã bắt đầu được xuất khẩu đến Nhật Bản. Mắc ca xuất khẩu sang Nhật Bản được bán trong siêu thị với giá khoảng 700.000 đồng/kg. Đối tác Nhật Bản đã sẵn sàng lên đơn hàng để nhập khẩu với số lượng lớn trong những năm tới.
Đặc biệt, hạt mắc ca của Việt Nam được chế biến theo phương pháp handmade, giữ được đầy đủ hương vị nguyên bản, tự nhiên của mắc ca mà các quốc gia khác sẽ khó cạnh tranh. Ngoài ra, so với nhiều nước xuất khẩu hạt mắc ca lớn trên thế giới tại khu vực châu Phi và Nam Mỹ thì Việt Nam có lợi thế hơn khi đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường nhập khẩu.
Trong tương lai, số lượng người tiêu dùng biết đến các sản phẩm mắc ca tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ tăng nhanh, vì vậy nhu cầu tiêu thụ mắc ca tại các thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng bùng nổ.
Tại Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam xác định từng bước hình thành ngành hàng mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế…
Theo định hướng, quy mô diện tích trồng phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000 – 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 – 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha). Đồng thời, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.