Sau khi rời khỏi nước biển, những con sứa múp míp sẽ được cắt ngay trên bãi cát. Ngư dân phủ đầy cát lên sứa, còn nhào tới nhào lui cho “ngấu”.
Từ tháng Chạp đến tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch sứa biển. Đối với những người sinh ra gần biển, sứa là món quà mà biển ban tặng. Loài hải sản không não, không tim này có kết cấu rất đặc biệt, chế biến đúng cách thì khi ăn sẽ thấy mát lạnh như thạch, mịn ,mượt như nhung và giòn như rong sụn.
Sứa biển khi vừa bắt lên và lhi đã được bỏ ruột, sàng cát và rửa trong nước biển
Người thành phố ăn sứa là khi đã muối xong thành phẩm, có khi là sứa đỏ, sứa vàng, cũng có khi màu trắng trong với những đốm đỏ, nâu tự nhiên. Hiếm khi người ta được chứng kiến con sứa nguyên bản vừa thu hoạch. Quy trình chế biến sứa cũng là một bí ẩn với nhiều người.
Thế nên, khi cảnh thu hoạch và sơ chế sứa của ngư dân làng chài Kỳ Ninh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được tiết lộ, không ít người tỏ ra kinh ngạc. Sứa thu hoạch được từ biển cả sẽ được như dân lấy xe kéo ra bãi cát ngay gần đó để sơ chế.
Những con sứa trong vắt, tươi rói được ngư dân sơ chế ngay tại bãi cát
Những ngư dân đặt sứa xuống đất, dùng những con dao sắc lọc bỏ ruột, chỉ lấy thân và chân sứa. Từng miếng sứa mềm như thạch được cắt “ngọt xớt”, vương đầy bãi cát.
Ông Hà, một ngư dân nhiều đời làm sứa tiết lộ, năm nay giá mua sứa tại biển là khoảng 900 đồng/kg, trung bình mỗi con sứa khi vừa vớt lên nặng khoảng 20kg – cỡ sứa ngon nhất. Con nhỏ hơn khoảng 15kg, cũng có con to hơn khoảng 30kg.
Theo ông Hà, mùa sứa rộ, một ngày thuyền có thể thu được cỡ 2 tấn sứa nếu trúng mánh. Sứa vớt lên cần được sơ chế ngay để đảm bảo độ tươi ngon, nên những người kinh doanh thường chờ cả ngày ở biển để đón thuyền về.
Ông Hà cắt sứa từng miếng nhỏ chứ không để cả tảng như ngư dân ở Thái Bình, Hải Phòng
Giống như ông Hà, các ngư dân khác đều cắt nhỏ sứa rồi vùi vào cát. Họ còn “ướp” sứa với cát biển, nhào trộn từng miếng sứa trong veo trong cát. Ông lý giải: “Sứa có chất độc nhẹ, chạm vào da thịt rất ngứa. Nếu sơ chế không cẩn thận là nó “ăn” lủng thịt luôn đó.
Người nào không biết, thấy chúng tôi trộn sứa với cát sẽ chê bẩn, nhưng đây là cách làm truyền thống của người miền biển, phải làm thế mới ăn được.
Chà cát biển như vậy là để làm sạch lớp nhớt độc ở thân sứa. Cứ chà cát như vậy cỡ 1 tiếng, thì sứa sẽ nhả hết nhớt, và ngót nước đi.
Ở nhà máy thì người ta sẽ bỏ phèn, có máy đánh cho ra nhớt. Còn chúng tôi làm thủ công thì theo cách ông cha nhiều đời truyền lại, cứ ném ra bãi biển mà chà cát thôi. Không làm vậy thì tanh lắm, ăn không nổi đâu”.
Trước khi đem về nhà muối các loại lá chát, ngư dân sẽ ướp sứa với cát biển
Sau khi “muối đất” đủ thời gian, những lát sứa sẽ được đưa ra biển rửa lại với nước biển cho thật sạch. Lúc này, ngư dân mới đem về nhà ướp với nước lá lấu – là các loại lá có chất chát, hái trên rừng.
Ủ lá lấu 1 – 2 ngày cho ngấu, sứa teo lại và hết vị tanh, hết nhớt, người ta lại rửa sạch, ướp với nước lá dung hoặc lá vang, cũng là các loại lá có vị chát. Ủ thêm 1 – 2 ngày nữa là ra thành phẩm sứa muối giòn, vàng tươi đúng kiểu miền Trung.
Sứa rửa sạch bằng nước biển sẽ được ướp với lá lấu
Sở dĩ quá trình muối sứa cầu kỳ, nhiều công đoạn, sứa cũng bị ngót nước, teo đi khoảng 80 – 90% trọng lượng ban đầu, sứa thành phẩm cũng có giá cao gấp nhiều lần. Ở Hà Tĩnh, giá sứa muối dao động khoảng 90 – 150 nghìn/kg.
Sứa muối có thể dùng làm nộm, cuốn rau tía tô, kinh giới ăn sống, nấu bún hoặc nấu canh, tùy theo khẩu vị mỗi gia đình.
Trong Đông Y, thịt sứa biển có vị mặn, tính hàn, có công dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt. Nó cũng giúp giải độc, bài trừ độc tố trong gan, thận, và tốt cho những người có tiểu sử bệnh đường ruột, viêm loét dạ dày, huyết áp cao… Sứa cũng được dùng như món ăn – bài thuốc là vì thế.
Để làm ra món ngon từ sứa biển, hóa ra cũng cần nhiều công đoạn cầu kỳ hơn ta tưởng. Nếu không biết công dụng của cát biển trong quy trình chế biến sứa, ai đó có thể cho rằng các ngư dân không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng biết rồi mới hiểu, kinh nghiệm nhiều đời ông cha truyền lại, hóa ra lại ẩn chứa trí tuệ dân gian sâu sắc.