×

Nhạc sĩ Trường Sa bi kịch đời thiếu tá VNCH ở hải ngoại, suy sụp lí do vợ qua đời 7 ngày mới biết

Sầu thiên cổ trong ca khúc Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó của nhạc sĩ Trường Sa

Sau khi định cư ở Canada, nhạc sĩ Trường Sa có cho ra mắt một loạt ca khúc như  Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ… đặc biệt trong đó ca khúc Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó được ca sĩ Thùy Dương trình bày, đã ghi dấu giai đoạn sáng tác mới ở vùng đất tự do. Nhưng với những người quen biết nhạc sĩ Trường Sa thì ca khúc này còn chất chứa một nỗi buồn không thể nói cùng ai: Sự ra đi của người bạn đường đã cùng ông đi qua những ngày khốn khó ở Việt Nam, đặc biệt với những năm tháng sau ngày 30-4 ấy.

Như mọi gia đình sĩ quan học tập của VNCH, nhạc sĩ Trường Sa với chức thiếu tá hải quân, bị lừa ra trình diện để “học chủ trương mới” của nhà nước CSVN trong hai tuần. Thế nhưng sau đó, ông bị đưa đi biền biệt, từ năm 1975 đến 1984 mới được thả về. Không có một phiên tòa nào, và cũng không có lời giải thích nào về số năm vật vã và đói khổ dưới nòng súng AK và thép gai. Trong thời gian đó, người vợ của ông, bà Mỹ Lan, đã cố gắng đến mức kỳ diệu để cho 4 đứa con có được miếng ăn, được đến trường, và quan trọng nhất là vẫn ngẩng cao đầu trong một xã hội chủ trương hạ nhục và kỳ thị những gia đình thuộc diện “Mỹ Ngụy”.

Không có tờ giấy nào thông báo là nhạc sĩ Trường Sa bị giam giữ ở đâu, mọi thứ như biệt tích. Bà Mỹ Lan cùng với cuộc đời của hàng trăm ngàn người mẹ, người vợ khác ở miền Nam đã tất tả chạy khắp nơi, tìm đủ mọi cách, từ gửi đơn đến van xin, thăm hỏi rồi đút lót để tìm biết về số phận người thân của mình. Cuối cùng thì bà được biết là chồng mình bị giam giữ ở Phú Khánh (tức vùng giữa Phú Yên và Khánh Hòa hôm nay), và sau đó bị đưa đi đến giam ở Nghệ Tĩnh, cách quê nhà cả ngàn cây số. Suốt chín năm nuôi tù cải tạo đó, là cơ cực và sự chung thủy của một người vợ luôn dõi theo chồng mình, tận lực nuôi dạy ba đứa con gái và một con trai để hy vọng, chúng có ngày gặp lại người cha.

9 năm ròng như vậy, cuối cùng thì nhạc sĩ Trường Sa được cho về nhà, đen đủi, gầy ốm, đau yếu nhưng quyết tâm tìm đường đến với tự do vẫn cháy bỏng không sờn.

Vào thời gian đó, người có nghề đi biển vẫn được săn tìm để ráp nối vào những chuyến vượt biên. Viên hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa, tốt nghiệp khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang được mời gọi đến một cuộc ra đi vào năm 1986, lúc đó ông và vợ bàn với nhau mang theo một đứa con gái lớn và đứa con trai.

Cũng cần phải nói là khi mãn tù cải tạo quay về nhà, một người của chế độ cũ như thiếu tá, nhạc sĩ Trường Sa không thể nào được xã hội cộng sản bình thường dung nhận. Ngay cả làm một người vá xe đạp hay chạy xích lô, đời cũng không yên với sự dòm ngó của công an địa phương. Ông đành chọn ở nhà làm việc nội trợ, để vợ mình bươn chải nuôi cả gia đình. Bà Mỹ Lan, vốn là một nghệ sĩ thiết hài và là người dẫn chương trình duyên dáng trước khi lấy ông, luôn được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chú ý, mời tham gia biểu diễn trong đoàn ca vũ kịch của ông, nhưng nhạc sĩ Trường Sa vì cưng vợ nên không muốn bà rày đây mai đó để phục vụ sân khấu nữa. Cũng vì thương chồng nên bà Mỹ Lan đồng ý ngừng biểu diễn, và hai người chọn sống yên lặng cùng nhau, từ trước năm 1975, ở căn nhà nhỏ đường Nguyễn Duy Dương, gần chợ An Đông, quận 5, Sài Gòn.

Một nghệ sĩ như bà Mỹ Lan, nhưng suốt nhiều năm dài như vậy, phải lê la đi lượm bao ny lon ở chợ để về cân ký bán, mua đi bán lại các món đồ cũ, kiếm chút tiền lời nuôi chồng và mấy đứa con nhỏ. Nhớ về kỷ niệm này, nhạc sĩ Trường Sa từng nói trên đài phát thanh rằng ông biết ơn vợ mình, người đã hy sinh mọi thứ cho cuộc sinh tồn mệt mỏi lúc đó.

Chuyến đi vượt biển đầu tiên của ông thất bại. Tàu xuất phát từ Nhà Bè, tưởng rằng êm xuôi nhưng cho đến gần hải phận quốc tế thì bị tuần duyên của bộ đội Bắc Việt chặn lại. Khi giải lên bờ làm giấy tờ để nhốt vào trại, nhạc sĩ Trường Sa khai mình là một thợ vẽ quảng cáo, tên là Trường Sa. Sau khi bị giải về Mỹ Tho, công an khám phá ông chính là thiếu tá hải quân VNCH Nguyễn Thìn nên thay nhau đã đánh đập tàn nhẫn trong nhiều ngày. Lần đó ông bị giam đến hai năm mới được thả.

Đầu năm 1989, nhạc sĩ Trường Sa lại quyết định vượt biên một lần nữa cùng với 4 đứa con của mình. Khát khao sống như một con người và sống tự do cứ nung nấu, khiến ông chỉ muốn ra khơi. Chuyến đi đó may mắn trót lọt nhưng khi ông đến được trại Pulao Bidong vào ngày 17 tháng 4 năm 1989, mới biết trại tỵ nạn đã vừa đóng cửa gần một tháng trước đó. Chương trình trục xuất người tỵ nạn về Việt Nam cũng đã bắt đầu xúc tiến.

May sau, nhạc sĩ Trường Sa liên lạc được với một người em đang ở Canada, và nhờ bảo lãnh. Mất đến gần hai năm rưỡi, gia đình của nhạc sĩ Trường Sa mới đặt chân được lên đất Canada, và chuẩn bị hành trình làm lại đời mình. Trong thời gian chờ vợ đi qua Canada đoàn tụ cùng gia đình, nhạc sĩ Trường Sa đã làm rất nhiều việc để kiểm sống, nuôi con: từ thợ làm bánh mì đến làm nước mắm… cuối cùng thì khi dọn đến thành phố Tillsonburg, ông mới có được cuộc sống ổn định nhờ làm việc cho một hãng xe hơi.

Những ai biết nhạc sĩ Trường Sa đều mừng cho ông đã có được hạnh phúc sau những ngày khổ tận cam lai, nhất là khi bà Mỹ Lan bay sang Tillsonburg, Canada đoàn tụ cùng chồng và các con vào năm 1992.  Thế rồi trong một lần bà Mỹ Lan phải quay về thăm Việt Nam để lo việc gia đình, đột ngột ông được tin báo rằng vợ mình đã bị tai nạn xe trên đường và qua đời vào ngày 17 tháng 3 năm 1996. Lúc đó, bà vào tuổi 53. Xe của bà Mỹ Lan cùng một người bạn thuê đã đụng một chiếc xe hơi khác, vì người tài xế say rượu. Vào thời đó, liên lạc đường dài khó khăn, nên mất gần cả tuần sau, nhạc sĩ Trường Sa mới hay hung tin của vợ mình. Ông hoàn toàn suy sụp vào lúc đó.

Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, là bài hát mà nhạc sĩ Trường Sa gửi vào đó những tâm tình tuyệt vọng của mình, đọc lại từng lời, có thể thấy được nỗi ngậm ngùi và bàng hoàng của ông.

Trên vai em nỗi buồn mấy tuổi
Kỷ niệm sắc son mấy thuở yêu người
Bùi ngùi theo từng tháng ngày trôi
Sài Gòn ơi, hương đời vẫn sống

Kể từ lúc đó, nhạc sĩ Trường Sa lặng lẽ sống với kỷ niệm đời mình, và niềm hạnh phúc không trọn vẹn. Đời sống âm nhạc vắng ông thật lâu cho đến năm 2007, khi ông gặp bà Võ Thị Nguyệt, một người phụ nữ hiền lành đã từng có một gia đình và cũng có 4 đứa con như ông, sống ở Montreal. Hai tâm hồn cô đơn và trĩu nặng những ngày tháng cũ đã chọn nương tựa vào nhau để đi hết cuộc đời tha hương nơi trần thế.

Hiện hai ông bà sống ở Toronto, yên ả tuổi già.

Related Posts

Từ nay trở đi: Che biển số xe máy, “ăn” ngay phạt 4 – 6 triệu đồng đồng thời bị trừ 06 điểm giấy phép lái xe

Bạn đọc hỏi: Mức phạt che biển số đối với xe máy bị phạt bao nhiêu tiền theo Nghị định 168? Mức phạt che biển số xe năm 2025…

Từ 1/2025: Người đi loại xe máy này bắt buộc thi lại bằng lái hạng A không dùng A1, Ai cũng phải nắm cho rõ

Từ 1/1/2025 có những thay đổi trong phân hạng bằng lái xe do đó người dân cần chú ý.Phân hạng lại bằng lái xe, người dân cần…

Việc đầu tiên Xuân Son làm khi nhập viện khiến ai nghe cũng bật khóc

Tiền đạo Xuân Son chấn thương nặng, dự kiến nghỉ dài hạn, theo xác nhận của thành viên trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Giữa…

Tình trạng chính xác của Xuân Son sau chấn thương, chuyến này ít nhất phải 1 năm mới trở lại được

Tuyển Việt Nam thiếu sự phục vụ của Xuân Son ít nhất nửa năm, sau khi chân sút này gặp chấn thương rất nặng trong trận chung…

VIỆT NAM VÔ ĐỊCH ASEANCUP 2024

Tối 5/1, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Thái Lan 3-2 trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, qua đó giành chức vô địch…

Tạm biệt Nguyễn Xuân Son, sân cỏ sẽ vắng mặt anh rất lâu nữa

Chủ công của đội tuyển Việt Nam chấn thương nghiêm trọng, phải rời sân ngay trong hiệp một trận lượt về chung kết ASEAN Cup 2024. Phút…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *