Điểm tổng kết học kỳ I giảm 0,3 so với năm ngoái, con gái chị Phương Anh khóc mãi. Mỗi lần ba mẹ giục đi ngủ sớm, bạn lại cáu gắt, thậm chí giận dỗi vì lời nhắc nhở này.
Xót xa thấy con học bù đầu
Áp lực học hành, điểm số trên đôi vai con là trăn trở lớn của vợ chồng chị Phương Anh* (quận 3, TPHCM). Con chị đang là học sinh lớp 12 của một trường trung học phổ thông (THPT) chuyên tại TPHCM nên bạn luôn nỗ lực, cố gắng để có kết quả học tập thật tốt.
“Con học bù đầu, nhiều khi học quên ăn, quên ngủ. Vậy nhưng điểm tổng kết học kỳ I chỉ đạt 9,5 khiến con thất vọng. So với mức tổng kết năm học trước, điểm trung bình của con bị giảm 0,3. Con khóc rấm rứt mãi”, chị Phương Anh chia sẻ.
Thấy con học ngày học đêm, chồng chị Phương Anh xót xa, toàn gõ cửa, kêu con đi ngủ sớm đi. Đáp lại, cô con gái còn giận vì chưa học xong. Vợ chồng chị luôn phải khuyên con bớt bớt học lại, đi chơi, mà bạn không chịu.
“Hỏi con có thích xem phim Mai không, nó trả lời liền: Không”, người mẹ kể lại và bày tỏ lo lắng khi chưa tìm được cách tháo gỡ áp lực cho con.
Nhiều học sinh dành phần lớn thời gian để học tập dẫn đến thiếu ngủ, căng thẳng, nặng hơn là trầm cảm (Ảnh minh họa: Nam Anh).
Áp lực học tập cũng là gánh nặng của nhiều bạn trẻ ngày nay, đặc biệt xuất hiện nhiều với những học sinh trường chuyên, lớp chọn, trường danh tiếng. Không ít bạn trong số đó phải nhập viện điều trị, được các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rối loạn lo âu liên quan đến áp lực học tập.
TS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, từng chia sẻ về câu chuyện của M. (15 tuổi, Hà Nội) nhập viện hồi tháng 9 năm ngoái vì luôn áp lực khi xung quanh các bạn đều học giỏi. Sợ đứng nhóm cuối lớp trong trường chuyên, nữ sinh này học thâu đêm. Thấy con sụt cân nhanh, mắt đờ đẫn, bố mẹ đưa M. đi khám tâm lý.
Năm 2022, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress (căng thẳng) với 33% và trầm cảm là 26,1%.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng, nhiều em được đánh giá ngoan, học tập khá giỏi.
Hay tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng trẻ nhập viện với các dấu hiệu stress (căng thẳng) và trầm cảm có dấu hiệu gia tăng. Ðáng chú ý, phần lớn bệnh nhân nhóm này đến từ trường chuyên, lớp chọn, nơi áp lực học hành cao hơn hẳn các lớp thông thường.
Theo các bác sĩ, áp lực học tập có thể xuất phát do nhà trường, gia đình đặt nặng thành tích cho trẻ. Đôi khi chính do bản thân trẻ vì không muốn thua kém bạn bè, đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình. Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi thậm chí trầm cảm.
Đừng chỉ chăm chăm vào điểm số
Tốt nghiệp thủ khoa trường của Trường Đại học Hoa Sen (HSU) trong đợt trao bằng hôm 25/2 vừa qua, Trần Phan Bảo My, tân cử nhân ngành quản trị khách sạn, đạt điểm GPA gần tuyệt đối: 3.91/4.0 chia sẻ rằng thế hệ Gen Z phải đối mặt với rất nhiều áp lực gồm sự kỳ vọng của gia đình, áp lực đồng trang lứa, sợ thất bại, sợ không đạt được kỳ vọng…
Theo My, có 3 điều đã giúp cô vượt qua những áp lực trên, đó là sự can đảm đối mặt và không sợ thất bại. Cô nàng cũng tận dụng sức trẻ, chấp nhận với những cơ hội, trải nghiệm mới, chú trọng mở rộng networking (mạng lưới mối quan hệ).
Song, cô nàng thủ khoa cũng khuyên các bạn đừng quá quan tâm đến những định kiến.
“Thế giới tưởng chừng rộng lớn nhưng nó là vòng liên kết giữa mối quan hệ cũ và những người mới tiếp xúc. Đừng ngần ngại cởi mở và học hỏi xung quanh, biết đâu đó là chìa khóa đưa bạn đến những cơ hội tốt đẹp hơn”, My nhấn mạnh.
Hay tấm gương học tập khác là Võ Thị Trang Thơ cũng là tân cử nhân của HSU gây ấn tượng bởi thành tích tốt nghiệp song ngành trong vòng 4 năm, sớm 1 năm so với kế hoạch đào tạo của trường. Đặc biệt, Thơ xếp loại xuất sắc ngành tâm lý học với điểm GPA 3.60/4.0 và loại giỏi ngành quản trị nhân lực với GPA 3.59/4.0.
Trang Thơ chia sẻ dù đã xác định khó khăn và rất quyết tâm khi chọn học song ngành nhưng đôi khi cô gái này áp lực đến phát khóc. Cô tưởng chừng kiệt sức khi có ngày phải thực hiện 3 bài báo cáo, đến cuối kỳ thì lịch thi sát nhau… .
“Nghĩ đến mục tiêu mình đã đặt ra, nghĩ tới trách nhiệm đối với chính bản thân, em đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn ấy”, Thơ bày tỏ.
ThS Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) khuyên học sinh đừng chỉ lo chăm điểm số. Ông cho rằng mỗi học sinh đều có sở trường riêng: Em giỏi toán, em giỏi ngoại ngữ, em giỏi thể dục thể thao, em thích hùng biện, em có thẩm mỹ thời trang…
“Vấn đề là làm sao để thế mạnh của mỗi em được phát huy tối đa nhất, chính vì vậy các em không nên quá chăm bẵm lo điểm số. Bởi học tập là cả quá trình, ngoài điểm số mỗi học sinh còn cần có một tinh thần sảng khoái, sức khỏe dồi dào, tinh thần lạc quan yêu đời, nhận thức tốt các vấn đề xã hội thì mới dễ dàng hòa nhập cùng với thế giới bao la ngoài cổng trường…”, thầy Huỳnh Thanh Phú nhắn gửi.
Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân dặn, ngoài việc học, học sinh phải tham gia thể dục thể thao để tăng cường thể lực thật tốt, có sức khỏe tốt mới học tập tốt; Tham gia công tác thiện nguyện, ủng hộ xây cầu nông thôn, xây nhà tình nghĩa, giúp đồng bào bị thiên tai, gây quỹ học bổng… để bồi dưỡng tâm hồn, sống vì mọi người.