Khán giả đang bội thực với những tình tiết ngoại tình, chính thất đấu đá đáp trả tiểu tam đang nhan nhản trên các bộ phim Việt của VTV. Trong khi đó, những tác phẩm nhẹ nhàng, đáng yêu lại rất hiếm hoi.
Những tuần qua, bộ phim Trạm cứu hộ trái tim chiếm sóng giờ vàng phim Việt trên VTV. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên dày kinh nghiệm, với câu chuyện về hôn nhân gia đình kịch tính, nhiều cao trào khó tưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen nội dung hấp dẫn, có nhiều ý kiến cho rằng phim cố tình xây dựng các tình tiết bi kịch quá lố để câu kéo người xem. Đây cũng là số phận của đa số phim Việt đang chiếu trên VTV.
Khán giả mệt mỏi với phim Việt
Trong Trạm cứu hộ trái tim, nữ chính Ngân Hà (Hồng Diễm đóng) bị chồng phản bội sau 5 năm chung sống. Nghĩa (Quang Sự) muốn trả thù cho cái chết của cha nên đã kết hôn với Ngân Hà, trao cho cô sự quan tâm yêu thương mà cô khao khát, để rồi sau đó lật mặt, khiến bố của nữ chính bị đi tù. Hắn còn có gia đình riêng với phụ nữ khác.
Kịch bản phim bị cho là xây dựng các tình tiết cực đoan, nhân vật tha hóa tận cùng về đạo đức để gây tranh cãi trên mạng xã hội, thu hút người xem.
Tuy nhiên, với một kịch bản như vậy, người xem cảm thấy phi lý và mệt mỏi. Trải qua một nửa chặng đường, nữ chính Ngân Hà vẫn ngu ngơ, hiền lành quá mức, hành động thiếu sự mạnh mẽ, dứt khoát khiến khán giả nản.
Đến nay, công chúng vẫn khó hiểu không biết bộ phim “cứu hộ trái tim” ở điểm này, mà chỉ thấy đem lại nỗi bức xúc, bực tức cho người thưởng thức.
Phim “Trạm cứu hộ trái tim” khiến người xem ức chế vì những tình tiết bi kịch quá đà.
Việc bi kịch hóa kịch bản cũng diễn ra ở nhiều bộ phim truyền hình chiếu trên VTV như Gia đình mình vui bất thình lình hay Chúng ta của 8 năm sau.
Trong đó, nửa đầu bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người xem nhờ những tình tiết vui nhộn. Hiếm có bộ phim nào mà mối quan hệ giữa các chị em dâu trong gia đình, giữa mẹ chồng với nàng dâu lại khăng khít, hòa hợp đến vậy. Tuy nhiên, nửa cuối phim bắt đầu đi vào lối mòn khi các nhân vật liên tiếp vướng vào rắc rối như ngoại tình, bệnh hiểm nghèo…
Bộ phim Chúng ta của 8 năm sau phần một được đánh giá cao với những khung cảnh mộng mơ, đẹp tựa phim Hàn Quốc. Mối tình của các nhân vật chính lãng mạn, trong trẻo thu hút người xem.
Tuy nhiên, đến phần hai, nữ chính bị đánh giá luôn thích tự làm khổ bản thân và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Sự thù hằn của cô mạnh tới mức tưởng như cả thế giới và chính khán giả đang mắc nợ nữ chính.
Đây là hạn chế chung của các bộ phim truyền hình Việt khi thời lượng càng dài thì càng dễ bị rập khuôn, kịch bản lan man. Cũng vì vậy, Gia đình mình vui bất thành lình và Chúng ta của 8 năm sau trở thành tác phẩm “đầu voi đuôi chuột” một cách đáng tiếc.
Ngược lại, bộ phim ngắn Gặp em ngày nắng do hai diễn viên trẻ Đình Tú và Anh Đào lại nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Phim nhẹ nhàng, dung dị, không có sự chen chân của người thứ ba, không có những cảnh hiểu nhầm khóc nức nở, không có những nhân vật quỵ lụy vì tình yêu.
Trong Gặp em ngày nắng, nữ chính Phương là người mạnh mẽ, sống thực tế nhưng không thiếu phần dịu dàng, hiểu chuyện. Nữ diễn viên Anh Đào được khen ngợi đã xây dựng một nhân vật hấp dẫn, dễ thương và rất sống động trên màn ảnh.
Phim truyền hình ngắn “Gặp em ngày nắng” là tác phẩm “chữa lành” được khán giả yêu thích.
Thực tế, các bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, hài hước như Không ngại cưới, chỉ cần một lý do hay Cuộc đời vẫn đẹp sao vẫn nhận được sự yêu mến của khán giả, cho thấy dòng phim “chữa lành” đang là xu hướng của người xem.
Xu hướng làm phim chữa lành
Những năm gần đây, xu hướng làm phim “chữa lành” ngày càng nở rộ tại Hàn Quốc, Trung Quốc. “Chữa lành” là thể loại phim mà sau khi xem xong, khán giả cảm nhận được sự ấm áp của tình người, vẻ đẹp cuộc sống và thay đổi cuộc đời mình, đó là một quá trình chữa lành tâm hồn. Phim vẫn có những tình tiết cao trào nhưng tập trung khai thác những mối tình đẹp, những khía cạnh dịu dàng, dễ chịu của cuộc sống, của tình người.
Biên kịch Đặng Thiếu Ngân chia sẻ hậu đại dịch Covid-19, khán giả yêu thích những bộ phim nhẹ nhàng hơn về hôn nhân gia đình để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, phải đối mặt với lo toan bộn bề của cuộc sống.
Một số bộ phim Hàn Quốc như Chào mừng đến Samdalri, series Reply 1988, Điệu cha-cha-cha làng biển (Hometown Cha-Cha-Cha), Thanh xuân vật vã, Khi hoa trà nở… không phải là những tác phẩm có nội dung kịch tính nhưng lại thu hút người xem và có rating cao, nổi tiếng khắp khu vực.
Không chỉ là một tác phẩm hay, sâu sắc, những bộ phim “chữa lành” còn mang lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ. Tại Trung Quốc, những tác phẩm như Đi đến nơi có gió, Sắc xuân gửi người tình… không chỉ nhận được sự yêu thích của khán giả mà còn giúp tăng trưởng du lịch địa phương.
Sau khi phim chiếu, các địa phương như Vân Nam, Tuyền Châu (Phúc Kiến) đều thông báo du lịch địa phương phát triển mạnh, thu hút khách du lịch nhờ những cảnh quay thơ mộng. Đây cũng là một cách để nghệ thuật giúp kinh tế địa phương tăng trưởng. Mới đây, nhờ bộ phim Sắc xuân gửi người tình, trào lưu “Theo chân Lý Hiện check-in Tuyền Châu” được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt liệt.
Bộ phim cổ trang Dữ Phượng Hành của Triệu Lệ Dĩnh cũng thành công vì khai thác nội dung theo hướng hài hước thay vì những mối tình nhiều kiếp chết đi sống lại. Sau đó, phim được Sở văn hóa Du lịch Tấn Vân Chiết Giang khen ngợi vì đã thu hút khách du lịch tới địa điểm quay phim để chụp ảnh kỷ niệm. Cụ thể lượng khách du lịch tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng doanh thu dịp nghỉ lễ 1/5 là 234 triệu NDT.
Bộ phim Đi đến nơi có gió của Lưu Diệc Phi thúc đẩy du lịch khu vực Vân Nam lên hàng chục lần, có ảnh hưởng lâu dài trong nhiều mặt. Có thể thấy, xu hướng làm phim chữa lành đang được các nhà sản xuất tại Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm ưu ái. Đây thực sự là thể loại phim hay, cần phát triển hơn nữa tại Việt Nam.