Đủ điều kiện nhập học nhưng nữ sinh Nguyễn Thị Thu Phương (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) nặng trĩu nỗi lo vì sức khỏe của cha đã rất yếu, mẹ đang phải nằm viện điều trị vì bệnh sỏi túi mật, kinh tế gia đình rất khó khăn, chưa biết lấy tiền đâu cho em nhập học.

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, những dòng nước mắt trên khuôn mặt Phương cứ rơi không ngớt. Em đã suy nghĩ rất nhiều về sự vất vả của mẹ em là Trần Thị Thu (SN 1966), khi phải bươn bả khắp nơi để kiếm thêm thu nhập nuôi sống cả gia đình. Hiện nay mẹ em đang phải điều trị bệnh sỏi túi mật tại Bệnh viện Trung ương Huế. Còn ba em là ông Nguyễn Đức Tiến (SN 1961) bị tai nạn điện trong một lần đi làm thuê, nay chỉ ngồi một chỗ, không còn sức khỏe để lao động.

 

Là em út trong nhà nhưng Phương luôn biết lo lắng , giúp mẹ mọi việc trong gia đình và chăm sóc cho cha
Là em út trong nhà nhưng Phương luôn biết lo lắng , giúp mẹ mọi việc trong gia đình và chăm sóc cho cha
Khát khao vươn tới của “cô gái xương rồng”

Phương nói rằng, em rất thích loài cây xương rồng, bởi dáng cây thẳng, mọc trên cát, trong điều kiện khắc nghiệt nhất vẫn có thể sống và vươn lên. Trong nhà mình, Phương đã dành một góc riêng để trồng rất nhiều loại cây xương rồng, em chăm sóc từng ngày và cây phát triển rất tốt. Phương nói với chúng tôi: “Cuộc đời em cũng tương tự như những cây xương rồng này vậy anh ạ. Gia đình em thật sự khó khăn, ba mẹ đều ốm đau triền miên, nhưng em luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập và cả trong cuộc sống”.

 Phương nói, cây xương rồng giống như phận đời của em, dù sinh ra trong điều kiện khó khăn nhưng em sẽ luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên

Phương nói, cây xương rồng giống như phận đời của em, dù sinh ra trong điều kiện khó khăn nhưng em sẽ luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên

 

Em Phương vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia với tổng 22,5 điểm khối A (Toán 8, Lý 7,5 và Hóa 7 điểm), cộng điểm ưu tiên là được 23,5 điểm. Em đã nộp hồ sơ dự tuyển vào Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, ngành Nông nghiệp Công nghệ cao. Đây là ngành mà em yêu thích và ao ước từ lâu.

Gia đình em đã trải qua nhiều khó khăn, cay đắng khi cả cha lẫn mẹ đều không may mắc bệnh. Từ nhỏ, Phương đã biết giúp mẹ làm lụng mọi việc trong gia đình, cùng mẹ giúp đỡ cha trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, trong em luôn tiềm tàng nghị lực sống, khát vọng vươn lên. Em Phương âm thầm cố gắng trong học tập để luôn đạt được thành tích cao, làm vui lòng cha mẹ. 12 năm học vừa qua, em luôn đạt lực học khá và giỏi.

 

Phương luôn lo lắng trước bệnh tình của mẹ và cha
Phương luôn lo lắng trước bệnh tình của mẹ và cha
Phương cho biết: “Cha em gặp tai nạn lúc em lên 3 tuổi, suốt từ đó đến nay cha chỉ ở nhà do không còn khả năng lao động. Mẹ em cũng phát hiện bị bệnh sỏi túi mật khi em học lớp 2. Bây giờ bệnh của mẹ cũng tái phát và nhập viện gần nửa tháng nay.

Nhà em có 3 anh em, hai người anh lớn đã học xong và ra trường. Anh trai đầu là Nguyễn Đức Anh, tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông, trường ĐH Khoa học Huế nhưng hiện chưa có việc làm. Anh thứ hai là Nguyễn Quang Thanh, học Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng”.

 

 Cha em không còn sức lao động, ngay cả chuyện sinh hoạt cá nhân cũng gặp khó khăn
Cha em không còn sức lao động, ngay cả chuyện sinh hoạt cá nhân cũng gặp khó khăn

 

Nặng trĩu lo âu trước ngày nhập trường

Đã 15 năm cha em bị bệnh cũng là chừng ấy thời gian gia đình em trải qua bao sự khó khăn cùng cực. Nhưng bà Thu, mẹ em Phương là người phụ nữ luôn quan tâm đến tương lai của con và luôn quyết tâm nuôi 3 đứa con ăn học chu đáo. Trong sâu thẳm lòng mình, Phương luôn dành tình yêu thương hết mực đối với mẹ và cha, những người đã hy sinh vì con. Phương nói, nhờ có mẹ mà 3 anh em Phương mới có điều kiện theo học và đến nay hai anh đã hoàn thành chương trình, còn em chuẩn bị bước đến cánh cửa Đại học.

“Có lẽ, vì quá lo cho con mà mẹ bị ốm nặng phải nằm viện như hôm nay. Dù mang trên mình bệnh tật nhưng mẹ chưa bao giờ than vãn, luôn động viên em cố gắng”, Phương tâm sự.

 

 Em Phương khóc nấc khi nghĩ về mẹ, dù đau ốm vẫn quyết tâm cho em đi học
Em Phương khóc nấc khi nghĩ về mẹ, dù đau ốm vẫn quyết tâm cho em đi học

 

Ngày có kết quả, người đầu tiên Phương thông báo chính là mẹ mình. Phương nói: “Khi biết mình đủ điểm vào trường, em rất vui sướng. Khi em thông báo mẹ em cũng vui cười, nhưng em biết mẹ em lo lắng. Mẹ bảo rằng, để đó rồi mẹ tính, mẹ sẽ cố gắng vay mượn cho em đi học”.

Với điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ ốm đau triền miên, Phương cũng canh cánh nỗi lo trong lòng, nhưng em cũng nhận được sự động viên của các anh và mẹ. Đây cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng. Hơn nữa, ước nguyện học ngành Nông nghiệp đã được em ấp ủ từ lâu nên em càng quyết tâm muốn đặt chân đến giảng đường. Theo em Phương, ngành học em chọn ở khu vực miền Trung không đào tạo mà phải học ở Học viện Nông nghiệp.

Phương dự định, nếu được nhập học thì em sẽ xin vào ở ký túc xá cho đỡ chi phí. Sau khi đã ổn định chỗ ở thì em sẽ kiếm việc gì đó làm thêm để có thêm tiền trang trải việc học.

“Hôm biết em đủ điểm đi học, mẹ nói tiền mẹ có sẽ để cho em đi học, mẹ sẽ không phẫu thuật nữa. Em nói mẹ, nếu không phẫu thuật thì sau này con đi học, mẹ đau lại ai sẽ lo. Rồi hai mẹ con đều khóc. Mẹ nói, đi viện mẹ sẽ cố gắng tiêu ít để dành dụm lại, về sẽ vay mượn thêm cho em nhập học”, Phương nấc nghẹn.

 

Phương tranh thủ nấu cơm trưa cho hai cha con
Phương tranh thủ nấu cơm trưa cho hai cha con
Mấy ngày qua, mẹ Phương được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế nên em phải giúp mẹ lo việc nhà. Mẹ em có quầy hàng nhỏ tại chợ thị xã Quảng Trị để bán gia vị, mắm muối… Phương cho hay, ngày nào đông khách thì lãi được năm đến bảy chục ngàn, ngày ít thì năm đến mười ngàn. Nhờ có cửa hàng của mẹ em mà có thêm ít tiền để chi tiêu trong gia đình, mọi thứ đều nhờ vào đó.

 

... và dọn bán hàng cho mẹ
… và dọn bán hàng cho mẹ
Trước hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cha mẹ đều ốm nặng, Phương lo lắng không biết mình có thực hiện được ước mơ vào giảng đường được hay không. “Mẹ em sắp tới nếu phẫu thuật sẽ tốn kém lắm, trong khi cha lại không có sức khỏe. Hơn nữa, gia đình em cũng đang nợ do vay mượn bên ngoài chưa trả được nên em chưa biết mình có nhập học được hay không nữa”, Phương mủi lòng.