“Gã khổng lồ” gọi xe công nghệ mới này vừa thông báo tuyển dụng nhân sự, tài xế tại TPHCM. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Grab đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa như Be và Xanh SM, báo hiệu một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai gần.
Bolt – “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ đến từ châu Âu
Mới đây, Bolt – “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ đến từ châu Âu thông báo tuyển dụng nhân sự, tài xế tại TPHCM. Đại diện Bolt đánh giá Việt Nam là một thị trường thú vị với nhiều tiềm năng, song doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định chính thức về việc gia nhập thị trường mới mẻ này.
Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam vốn đã sôi động nay lại càng thêm “nóng” với thông tin “kỳ lân” công nghệ Bolt từ châu Âu đang chuẩn bị gia nhập. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Grab đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa như Be và Xanh SM, báo hiệu một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai gần.
Hiện người dùng Việt Nam đã có thể tải ứng dụng Bolt trên cửa hàng App Store và Google Play cũng như đăng ký khách hàng thông qua số điện thoại. Tuy nhiên, việc đăng nhập để sử dụng dịch vụ là chưa khả thi.
Tại Đông Nam Á, Bolt ra mắt thị trường Malaysia vào tháng 11 năm ngoái, với tuyên bố hùng hồn sẽ “phá vỡ sự thống trị của Grab” tại đây. Nếu kế hoạch mở rộng thành công, Malaysia sẽ trở thành thị trường thứ hai của Bolt tại Đông Nam Á, sau Thái Lan.
Sau khi Bolt gia nhập, công ty Lalamove có trụ sở tại Hồng Kông và công ty vận tải Kummute có trụ sở tại Kuala Lumpur cũng đã ra mắt dịch vụ gọi xe của riêng mình tại Malaysia. Sự tham gia ồ ạt của những cái tên mới nổi khiến người ta đặt ra câu hỏi về vị thế thống trị của Grab? Liệu tất cả có thể cạnh tranh với một gã khổng lồ?
Theo Tech in Asia, mặc dù thị trường xuất hiện rất nhiều công ty gọi xe mới, song hầu hết đều đang phải vật lộn để xây dựng doanh nghiệp bền vững. Nhà đầu tư PE chỉ ra rằng nhiều công ty mới tham gia “không có đủ tiềm lực tài chính hoặc hệ sinh thái” để tạo ra thách thức thực sự đối với Grab. Khi việc ứng dụng điện thoại thông minh đã đi vào ổn định còn nguồn vốn mạo hiểm chậm lại trong những năm gần đây, người chơi mới không thể bắt chước chiến lược của Grab.
Dẫu vậy, vẫn có thể tạo ra cơ hội bằng cách cung cấp cho khách hàng hoặc tài xế thứ gì đó khác biệt. Chẳng hạn, InDrive có hệ thống đấu giá cho phép hành khách và tài xế thương lượng giá cước trước khi bắt đầu chuyến đi thay vì chấp nhận mức giá mà thuật toán đề xuất. Hoạt động tại 46 quốc gia, công ty có trụ sở tại California cho biết đây là ứng dụng gọi xe được tải xuống nhiều thứ hai trên toàn cầu vào năm 2022 và 2023.
Bolt được thành lập vào năm 2013 và hiện hoạt động tại khắp các thị trường châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á. Tại Đông Nam Á, Bolt chọn điểm đến đầu tiên là Thái Lan hồi năm 2020, sau đó tới Malaysia vào tháng 11/2024. Các dịch vụ của Bolt bao gồm gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa, thuê xe…
Markus Villig là nhà đồng sáng lập của Bolt, cùng hai cộng sự là Martin Villig và Oliver Leisalu. Tại thời điểm công ty ra đời, Villig mới là một sinh viên 19 tuổi tại Estonia.
Từ năm 2015 đến 2019, Villig đưa doanh thu của công ty từ con số 730.000 USD lên 142 triệu USD. Bolt khi ấy cố gắng duy trì ở mức hòa vốn, với mục tiêu sau cùng là có thể tồn tại cạnh “gã khổng lồ” Uber thông qua các thị trường bị bỏ qua ở châu Phi và châu Âu.
Không rõ ý định vào Việt Nam của Bolt có thành hiện thực. Trước đó, hồi tháng 12/2023, Baemin – ứng dụng giao đồ ăn nổi tiếng đến từ Hàn Quốc – chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam. Tháng 9/2024, đến lượt một kỳ lân công nghệ khác là Gojek nói lời tạm biệt.
Chiến lược tiết kiệm của Bolt không chỉ thể hiện qua mở rộng thị trường, mà còn được áp dụng trong cách công ty vận hành nội bộ.
Thay vì đổ tiền vào các chiến dịch quảng cáo lớn và tốn kém, Bolt chủ yếu sử dụng những phương thức quảng bá tiết kiệm, chẳng hạn tuyển dụng tài xế qua Facebook và sử dụng các nền tảng trực tuyến khác để tiếp cận người dùng. Công ty cũng chú trọng việc thuê lập trình viên với mức lương hợp lý và chọn lựa những văn phòng có chi phí thuê thấp, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Điều đáng chú ý là Bolt chỉ thu 15% chi phí từ mỗi chuyến đi, mức thu thấp hơn nhiều so với các đối thủ lớn trong ngành.