Trong lịch sử thời Tam Quốc, Lưu Bị được coi là phe chính nghĩa (sau này được thờ ở Đế vương miếu), gánh trọng trách nối tiếp nhà Hán sau khi Tào Phi soán ngôi Hán Hiến Đế. Nhưng điều gì khiến Lưu Bị đến chết không làm nên nghiệp lớn?
Sau 40 năm gây dựng từ hai bàn tay trắng, Lưu Bị cuối cùng cũng xưng đế, trở thành hoàng đế nối tiếp của nhà Hán.
Hành trình của Lưu Bị gian nan hơn nhiều so với Tào Tháo hay Tôn Quyền. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực và nhân tài.
Lưu Bị được coi là hoàng đế cuối cùng nối tiếp nhà Hán, sau này được thờ ở Đế vương miếu.
Bị xuất thân họ hàng xa của hoàng tộc nhà Hán, không được nhiều người biết tới, không giàu có, không có ảnh hưởng trong triều đình.
Một nguyên nhân khác là do Lưu Bị bị cản bước bởi 4 danh tướng, khiến tham vọng thống nhất Trung Hoa không thành, theo đánh giá của trang mạng Trung Quốc Sohu.
Trong số này, một người gián tiếp giết Quan Vũ, người kia khiến Gia Cát Lượng hao tổn sức lực vô ích.
Chu Du
Nhân vật xếp thứ tư mà Sohu nhắc tới là Chu Du, là danh tướng và là khai quốc công thần của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc.
Chu Du khi còn sống có nhiều duyên nợ với Lưu Bị.
Vì sao Lưu Bị sợ Chu Du? Lý do là vì sau trận Xích Bích, Chu Du bận giao chiến với Tào Nhân ở Giang Lăng, Lưu Bị thừa cơ chiếm 4 quận phía nam Kinh Châu.
Theo Sohu, Chu Du là người hiến kế để Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị, từ đó giam lỏng Lưu Bị ở Giang Đông để đoạt lại các quận Kinh Châu.
Nhưng toan tính này của Chu Du thất bại, khi Gia Cát Lượng phái Triệu Vân đi cùng, giúp Lưu Bị trở về an toàn cùng em gái Tôn Quyền.
Kế đó không thành, Chu Du lại nghĩ kế khác, đề nghị với Tôn Quyền, xuất quân đánh chiếm đất Thục, diệt Trương Lỗ, sau đó liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào.
Kế sách này của Chu Du được xem là có tầm nhìn xa trông rộng. Bên ngoài là đối địch với Tào Tháo, bên trong là ngầm nhắm vào Lưu Bị.
Đang gấp rút chuẩn bị cuộc chiến thì Chu Du bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, Chu Du viết lại thư gửi Tôn Quyền, nhấn mạnh việc luôn phải đề phòng nguy cơ từ Lưu Bị.
Theo Sohu, Lưu Bị từng đề nghị Tôn Quyền cho mượn Kinh Châu để đối phó Tào Tháo, nhưng vì Chu Du can ngăn nên Tôn Quyền luôn tìm cách khất.
Đến khi Chu Du qua đời, Tôn Quyền mới đồng ý giao phần còn lại của Kinh Châu cho Lưu Bị, tạo điều kiện để Lưu Bị lấn tới. Sau này, Lưu Bị còn lừa Tôn Quyền, điều quân vào đánh Lưu Chương để mở rộng địa bàn, khiến Tôn Quyền rất tức giận, sai người đón Tôn phu nhân về Giang Đông.
Lã Bố
Dù Lã Bố từng theo hàng Lưu Bị, Bị chưa bao giờ kiểm soát được Lã Bố.
Người xếp thứ ba được Sohu nhắc đến là Lã Bố, danh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc. Lã Bố được cho là có thể một mình địch lại cả Trương Phi và Quan Vũ.
Trương Phi nhiều lần đánh tay đôi với Lã Bố, khiến Lưu Bị hết sức lo lắng. Sohu cho rằng, Lưu Bị lo nếu có chuyện gì xảy ra với Trương Phi, chính ông cũng không còn an toàn trước Lã Bố.
Năm 195, Lã Bố bị Tào Tháo đánh bại, phải sang nương nhờ Lưu Bị. Vì sao Lưu Bị lại chấp nhận? Sohu cho rằng, Lưu Bị muốn chứng minh mình là người rộng lượng, nhân từ, mặt khác tạo uy thế với Tào Tháo.
Chưa đầy một năm sau, Lã Bố làm phản chiếm thành Hạ Bì. Trương Phi không chống nổi quân Lã Bố, mang thủ hạ bỏ chạy, không kịp đưa theo gia quyến Lưu Bị.
Đến lúc này, Lưu Bị mới biết mình “dẫn sói vào nhà”, phải đem tiền chuộc lại vợ con.
Không lâu sau, Lưu Bị bị Viên Thuật đem quân vây đánh, phải muối mặt nhờ cậy Lã Bố giảng hòa.
Năm 198, Lã Bố một lần nữa bại trận, bị Tào Tháo bắt sống. Lưu Bị khi đó liên minh với Tào Tháo, nói rằng nên giết Lã Bố để trừ hậu họa. Tào Tháo nghe vậy làm theo, coi như giúp Lưu Bị diệt một mối họa.
Trương Cáp
Trương Cáp là người từng khiến Gia Cát Lượng hao tổn nhiều tâm sức.
Theo Sohu, người xếp thứ hai phải kể đến Trương Cáp, danh tướng phe Tào Ngụy. Trương Cáp là người dày dạn trận mạc, một trong những công thần có ảnh hưởng nhất của nhà Ngụy.
Trương Cáp không chỉ gây ác mộng cho Lưu Bị, mà còn khiến Gia Cát Lượng hết sức e ngại, vì là người có tầm nhìn xa, biết khi nào cần đánh, khi nào cần lui binh.
Trong trận Hán Trung, Lưu Bị huy động 1 vạn quân tinh nhuệ, chia làm nhiều hướng đánh Trương Cáp. Cáp đã có sự chuẩn bị trước, thống lĩnh đại quân nghênh chiến, khiến Lưu Bị phải rút lui.
Khi nguyên soái quân Ngụy là Hạ Hầu Uyên bỏ mạng, Lưu Bị thừa cơ muốn chiếm trọn Hán Trung. Mưu sĩ của Uyên là Quách Hoài bèn nói: “Trương tướng quân là danh tướng hàng đầu Tào Ngụy, khiến Lưu Bị nể sợ. Nay việc quân nguy cấp, chỉ có Trương tướng quân mới hóa giải nổi”.
Trương Cáp nhận làm nguyên soái, chỉ đạo giữ vững trận địa, cho đến khi Tào Tháo đem quân tiếp viện từ Trường An đến.
Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy lần thứ nhất. Ngụy Minh Đế Tào Duệ sai Tư Mã Ý và Trương Cáp mang quân ra địch.
Trương Cáp dày dạn kinh nghiệm dễ dàng đánh bại quân Thục do Mã Tốc chỉ huy, khiến Gia Cát Lượng dù đau xót, vẫn phải ra lệnh chém Mã Tốc.
Không lâu sau, Gia Cát Lượng lại ra quân, tấn công Trần Thương. Tào Duệ gấp rút triệu Trương Cáp xuất binh ứng cứu.
Tào Duệ đặt câu hỏi: “Khi tướng quân đến nơi, Lượng đã lấy được Trần Thương chưa?” Trương Cáp đáp lời: “Thần chưa tới nơi, Lượng đã chạy rồi”.
Có thể nói, Trương Cáp không chỉ gây rắc rối với Lưu Bị, mà còn là một trong những người khiến Gia Cát Lượng hao tâm tổn sức nhất, theo Sohu.
Lục Tốn
Lục Tốn là một trong những danh tướng hàng đầu của phe Đông Ngô.
Danh tướng xếp hàng đầu trong danh sách gây ác mộng cho Lưu Bị phải kể đến Lục Tốn, người gián tiếp giết Quan Vũ, theo Sohu.
Lục Tốn được coi là “ngôi sao đang lên” hàng đầu thời Tam Quốc, sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc ở Giang Đông, phục vụ dưới trướng Tôn Quyền.
Trong trận Kinh Châu, Lục Tốn cùng Đại đô đốc của Đông Ngô là Lã Mông, giết chết đại tướng Thục Hán là Quan Vũ. Lục Tốn là người viết thư cho Quan Vũ, tỏ ra hết sức khiêm nhường và ca ngợi Quan Vũ, khiến Quan Vũ không lo phòng bị Đông Ngô, chỉ tập trung đánh Tào Ngụy ở phía bắc.
Quan Vũ tin theo Lục Tốn, càng xuất quân từ Kinh Châu sang Phàn Thành đánh Tào Nhân. Kết quả là Quan Vũ không biết lượng sức mình, đánh Phàn Thành thất bại, lại bị Đông Ngô đánh úp cướp mất Kinh Châu.
Sau này, trong trận Di Lăng, Lục Tốn đích thân thống lĩnh đại quân, khéo léo tận dụng ưu thế địa hình, vừa khéo léo dụ Lưu Bị vào bẫy, khiến quân Bị dù đông đảo hơn, vẫn thảm bại nặng nề.
Di Lăng được coi là trận đánh vĩ đại nhất thể hiện khả năng cầm quân của Lục Tốn. Sử sách Trung Quốc chép rằng, Lưu Bị tổn thất nặng nề đến mức xác chết phe Lưu Bị xuôi theo nước sông Trường Giang trôi xuống làm tắc cả dòng sông. Chiến thuyền, khí giới, quân nhu bên Thục bị mất gần hết.
Gần như toàn bộ các tướng chỉ huy chiến dịch Di Lăng của Lưu Bị bị tiêu diệt, khiến Thục Hán suy yếu nghiêm trọng.
Vì thất bại này mà Lưu Bị suy sụp tinh thần, lâm bệnh rồi mất tại thành Bạch Đế một năm sau. Có thể nói, Lục Tốn là người gián tiếp hại chết Quan Vũ, sau này lại giáng đòn mạnh vào Lưu Bị, không còn gì khiến Lưu Bị cay đắng hơn, theo Sohu.