Đó là dòng chia sẻ của một thí sinh đến từ Bắc Giang, sau khi biết mình trượt tất cả nguyện vọng đại học.

"18 tuổi, lần đầu tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng đại học" - Ảnh 2.

Dòng trạng thái của D.C.H gây bão mạng sau khi các trường công bố điểm chuẩn. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ này của D.C.H. (18 tuổi) đến từ Bắc Giang được lan truyền trên mạng xã hội một cách chóng mặt sau khi xuất hiện tại một diễn đàn học sinh, khi các trường công bố điểm chuẩn.

Chia sẻ với báo chí, H. cho biết, em đăng kí 5 nguyện vọng theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, với khối C00 và D10 (Toán, Địa lý, Anh) cùng tổng điểm lần lượt là 27 điểm và 23,15 điểm. Điểm của H. so với mức điểm chuẩn năm ngoái của các trường đã cao hơn từ 1-2 điểm. Do đó, em tự tin rằng mình có thể đỗ sau khi nghe tư vấn của bạn bè và anh chị xung quanh và nghĩ rằng đó là nguyện vọng an toàn.

Không riêng H., Đ.T.H.V. (Hà Nội) là học sinh giỏi suốt 3 năm học cấp 3. V. rất tự tin đỗ nguyện vọng yêu thích khi ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) em đạt 26,45. Nữ sinh này đăng ký 9 nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và còn chọn dự phòng một số ngành điểm thấp nhất để “chống trượt”. Tuy nhiên, V. sốc và không tin nổi khi 26,45 – số điểm không thấp nhưng em không thể đậu nguyện vọng nào yêu thích. Cuối cùng, trong số 20 nguyện vọng đăng ký vào các trường, V. đủ điểm vào 4 nguyện vọng và nữ sinh này chọn một ngành khác xa những gì đã định hướng.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp sốc tâm lý điểm chuẩn năm nay. Trên rất nhiều các diễn đàn dành cho học sinh, không ít những chia sẻ, băn khoăn về việc có nên thi lại ngành mình yêu thích hay học ngành mà mình đã đỗ. Hoặc xót xa hơn, cũng có vô số những câu hỏi tìm thông tin các trường xét nguyện vọng bổ sung, xét học bạ khi toàn bộ số nguyện vọng mà các em “đánh cược” đã trượt hết, cho dù đó là những nguyện vọng vô cùng an toàn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay, 30 ngành có mức trúng tuyển tăng từ 9 đến 11 điểm trong số 265 ngành, nhóm ngành tăng từ 5 điểm trở lên.

Lý giải về nguyên nhân tăng điểm chuẩn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã chỉ ra 3 lý do.

Thứ nhất, số thí sinh dự thi từ 900.000 lên 1.020.000 em, tăng hơn 11% so với 2020. Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000 thí sinh, tăng 24% so với 2020 trong khi số chỉ tiêu chỉ tăng 10.000. Có thể số thí sinh này là các em không đi học ở nước ngoài và xu hướng các em chọn học đại học nhiều hơn trước. Điều này đã làm cho điểm chuẩn năm nay tăng vọt.

Hơn nữa, điểm chuẩn các trường top trên không tăng đáng kể và chỉ tiêu hệ thống không tăng nên sau khi thí sinh được chọn top trên đã tập trung xuống các ngành, các trường top giữa. Khi tỉ lệ thí sinh đăng ký tăng thì chuyện điểm chuẩn tăng là bình thường.

Thứ hai, theo Thứ trưởng Sơn là do tác động của xu hướng chọn ngành. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, những ngành, nhóm ngành tăng nhiều (từ 5 điểm trở lên) thuộc về khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ (với 70 mã ngành tăng); sau đó đến nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (với 64 mã ngành tăng).

Lý do thứ 3, ông Sơn cho biết, qua phân tích phổ điểm thi, một số môn như môn tiếng Anh đã có cải thiện so với năm 2020. Các bài thi tiếng Anh có điểm tăng khá nên đây cũng là lý do góp phần cho điểm chuẩn năm nay tăng cao.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, chuyện nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các trường còn nhiều hình thức xét tuyển, thí sinh vẫn có cơ hội.

“Việc xét tuyển đại học là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GD-ĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng có nhận định khớp với thống kê của Bộ GD-ĐT, đó là hầu hết điểm chuẩn các trường top trên biến động không quá nhiều, tăng mạnh mẽ nhất là các trường ở top giữa.