Giá vàng tăng cao nên nhiều người cảm thấy “xót tiền” khi phải mừng lại bạn đúng số vàng được nhận trong đám cưới.
Trong đám cưới, việc được bạn bè hay người thân tặng vàng cưới thay vì phong bì đã là chuyện không quá xa lạ. Dẫu biết được tặng vàng cưới là điều may mắn, song nhiều cô dâu chú rể cũng thấy món quà này có thể trở thành “gánh nặng” nếu sau này cần mừng lại vàng cưới cho đối phương.
Giữa bối cảnh giá vàng tăng cao và liên tục chạm đỉnh như hiện nay, nếu chọn mừng lại đúng số vàng cưới được tặng năm nào thì có thể “đau ví”. Thế nhưng, nếu chỉ mừng bằng tiền mặt tương đương với mức giá mua vàng ở thời điểm được tặng thì cũng… hơi ngại. Hãy cùng lắng nghe xem các cặp vợ chồng đã giải quyết câu chuyện mừng lại vàng cưới thế nào nhé!
“Mừng vàng trả vàng, mừng tiền trả tiền”
Nhiều cặp đôi quan điểm, trong ngày cưới của bạn bè hay người thân, nếu trước kia được tặng bao nhiêu vàng thì họ sẽ đi mừng lại bấy nhiêu vàng, bất chấp giá vàng có thể chạm đỉnh cao.
Hoàng Văn (Hà Nội) cho biết, trong đám cưới năm 2017, anh được mừng cưới 1 cây vàng với mức giá 35 triệu đồng/cây. Trong tháng hai vừa qua, vợ chồng Hoàng Văn đi dự đám cưới bạn và mừng lại 1 cây vàng với mức giá khoảng 70 triệu đồng/cây, tức số tiền bỏ ra gấp đôi so với giá tiền bạn mua vàng năm nào. Hoàng Văn cho biết, vợ chồng anh không tính toán thiệt hơn gì ở đây. Bởi anh quan điểm, cái quan trọng là tình cảm được cho đi, trong khi tiền mất vẫn có thể kiếm lại được.
Ảnh minh họa
Hoàng Văn chia sẻ: “Với mình, một hay hai cây vàng thì có thể đắn đo là chỉ mừng lại tiền mặt. Còn một vài chỉ vàng thì cần cố trả đúng bằng vàng. Bởi đã chơi thân với nhau tới mức mình được bạn tặng vàng, mà trong đám cưới họ, mình đắn đo giá trị thì tốt nhất hai bên nên dừng lại. Ngoài ra, nếu bạn e ngại không thể trả được đúng vàng trong đám cưới bạn bè thì nên giữ nguyên vàng cưới trong két, thay vì bán ra”.
Hoàng Văn cũng bày tỏ cần lưu ý thêm về bài toán lạm phát trong câu chuyện nên mừng lại vàng cưới hay mừng tiền. Anh lý giải: “Với mình vàng là vàng, tiền là tiền. Ví dụ như 5 năm trước, mình mượn B 70 triệu đồng. Nhưng B không sẵn tiền mặt mà chỉ có vàng. Do đó, mình chấp nhận mượn B là 2 lượng vàng. Giờ sau 5 năm, dĩ nhiên mình phải trả B 2 lượng vàng, chứ không thể trả 70 triệu đồng, tương đương giá tiền mua 2 lượng vàng lúc đó.
Đi mừng vàng đám cưới cũng tương tự. Mình mừng cưới bạn vàng không chỉ vì tình cảm mà còn phải sòng phẳng được tiền nong. Ngày trước, họ đi mừng mình 1 cây vàng, nhưng theo giá hiện tại thì số tiền mua vàng lúc đó giờ mua được ½ hoặc ⅓ cây vàng. Điều này cũng tương tự như đi mua phở, giờ bát phở đã tăng giá thì làm sao bạn có thể đòi hỏi mua phở với mức giá của 5-10 năm trước được?”.
Một trường hợp khác, Thái An (Hà Nội) được bạn mừng cưới 1 chỉ vàng với mức giá 5,6 triệu đồng/chỉ vào năm 2021. Sang năm 2023, cô chấp nhận mừng cưới lại bạn một chỉ vàng với giá 7 triệu đồng/chỉ.
“Với mình, bạn từng tặng mình 1 chỉ vàng thì nên mừng lại bằng vàng. Đừng so đo tính toán thiệt hơn, nếu giá vàng có đắt thì món quà này cũng thể hiện được thành ý của mình. Vả lại giờ mọi người để phong bì toàn tiền chẵn, hàng trăm ngàn đồng hay tiền triệu. Tự dưng mình bỏ 5,6 triệu đồng đi mừng cưới thì cũng thấy kỳ (cười).
Giờ lấy ví dụ, nếu bạn tặng mình 1 chỉ vàng, giờ mình mới đem đi bán lấy lãi, sau đó tặng lại bạn đúng 5,6 triệu đồng thì bạn thiệt. Dẫu biết, giờ hầu hết vợ chồng đều đổi vàng cưới thành tiền ngay sau đám cưới để thanh toán chi phí cưới của họ. Tuy nhiên, nếu mình nhận thấy không thể đáp lễ bằng vàng thì có thể giữ vàng cưới được tặng trong két không bán, hoặc đợi thời điểm giá vàng đi xuống thì tranh thủ mua vàng tích lũy, cũng như có cái để tặng lại bạn sau này”, Thái An nhận định.
Ảnh minh họa
Mừng lại bạn phong bì bằng giá thành mua vàng
Ở diễn biến ngược lại, có những cặp vợ chồng cho biết, nếu giá mua vàng tăng quá cao, họ sẽ cân nhắc thay phong bì bằng tiền mặt.
Vợ chồng Nhật Nam (Hà Nội) cho biết, tại thời điểm cưới năm 2021, anh chàng được nhận 1 chỉ vàng cưới với mức giá khoảng 5,4 triệu đồng/chỉ. Vào cuối năm 2023, vợ chồng anh chàng mừng lại bạn phong bì với tiền mặt 6 triệu đồng, trong khi theo khảo sát của cặp đôi, giá tiền mua 1 chỉ vàng ở thời điểm đó là 6,5 – 7,8 triệu đồng/chỉ.
“Với mình, mừng cưới là tuỳ tâm, tuỳ theo kinh tế mà chọn cách tặng vàng hay tặng tiền với nhau. Nếu mình đủ dư dả tài chính ở thời điểm đó thì mừng lại 1 chỉ vàng cũng không sao, còn nếu không đủ thì chọn cách tặng thêm bạn một vài trăm ngàn đồng so với giá vàng bạn mua vào khi tặng mình. Theo mình, đâu phải chỉ có duy nhất chuyện phải tặng đúng vàng cưới mới thể hiện được sự thân tình của hai bên đâu, quan trọng là ngày thường mình giúp đỡ bạn thế nào thôi”, Nhật Nam nhận định.
Trong khi đó, Trần Vui (TP.HCM) bày tỏ cho đến hiện tại, vợ chồng cô vẫn cố gắng mừng lại bạn bè hay người thân đúng số vàng được tặng trong ngày cưới. Tuy nhiên, trong trường hợp giá vàng tăng quá cao mà bản thân chưa có vàng tích sẵn trong két, cô đánh giá chuyện tặng tiền mặt, đi kèm với 1 mức lãi suất so với số tiền bạn bỏ ra mua vàng năm nào, là phương án khả thi.
Trần Vui cho hay: “Mình và một người khác cùng đồng tình, nếu không thể trả đúng vàng vào ngày cưới thì có thể đi phong bì. Bởi thực tế, ai cũng biết thời gian vừa qua giá vàng tăng quá nhanh. Họ mua vàng tặng mình lúc giá có 40 triệu đồng/cây, mà giờ bắt mình trả lại đúng 70 triệu đồng/cây thì không khác nào cho vay nặng lãi. Mình đi mừng cưới chứ có phải cho bạn vay đâu mà tính toán tiền lãi nặng vậy. Với mình, mừng cưới thì chỉ cần tặng quà/phong bì đúng với hoàn cảnh hai bên là được và mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn vật chất”.
Ảnh minh họa
Tạm kết
Đám cưới là ngày vui do đó trong dịp này đôi bên cần hành xử khéo léo và tinh tế, đặc biệt trong chuyện chọn quà mừng. Nên tặng vàng cưới hay phong bì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính và mức độ thân sơ của mối quan hệ. Điều quan trọng là đôi bên không nên đặt nặng sự tính toán tiền nong, từ đó ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên nhé.
Còn bạn, nếu được mừng vàng cưới, bạn sẽ chọn phương án nào?