Dù đỗ Thủ khoa nhưng Sinh lại dự định không đi học mà đi làm kiếm tiền lo chữa bệnh cho mẹ. Thấy hoàn cảnh của chàng thủ khoa, ĐH Công nghiệp HN tìm cách “giữ” bằng được chàng sinh viên này.

Nguyễn Đình Sinh quê ở Diễn Châu, Nghệ An, trúng tuyển vào ngành Du lịch của trường ĐH Công nghiệp HN với số điểm 26,25 của tổ hợp Văn, Sử, Địa. Thế nhưng, khác với nhiều thí sinh háo hức chờ ngày tựu trường, Sinh có ý tưởng rẽ ngang.

Khi nhà trường liên hệ để thông báo kết quả, Sinh hồi âm là không có ý định đi học đại học. Chàng trai quê nghèo xứ Nghệ dự định theo học một trường cao đẳng ở Quảng Ninh, đồng thời tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống cho mình, giúp đỡ người thân bị bệnh tật. Một lý do mà những người liên quan ngần ngại nữa là với hoàn cảnh khó khăn như Sinh, “đầu tư” thời gian cho 4 năm theo học đại học liệu có tương lai sáng sủa không, khi mà hiện tượng thất nghiệp sau đại học đã thành phổ biến.

Thủ khoa quyết bỏ đại học đi làm thuê, ĐH Công nghiệp HN tìm cách giữ - Ảnh 1.

Quyết không để lỡ cơ hội tương lai của cậu sinh viên giàu lòng hiếu thảo này, ban giám hiệu nhà trường đã quyết định hỗ trợ những điều kiện ở mức tốt nhất, như: cấp học bổng 100% học phí toàn khoá học, miễn học phí ở ký túc xá, bố trí việc làm thêm tại căng tin nhà trường khi theo học tại cơ sở ở Hà Nam, giới thiệu cơ hội làm thêm với các doanh nghiệp khi cậu tiếp tục theo học các năm sau đó ở cơ sở tại Hà Nội. ..

Dù được thông báo với những “ưu đãi” như vậy, Sinh vẫn chưa quyết ngay. Bên cậu còn nặng gánh người mẹ bị bệnh tiểu đường, vẫn phải đang làm thuê tại Quảng Ninh kiếm tiền nuôi 2 mẹ con; chưa kể người dì độc thân ở Nghệ An trực tiếp nuôi nấng em từ bé. Anh Chiến, một cán bộ trẻ của trường kể lại, đã phải trò chuyện với Sinh nhiều lần, về những cơ hội mở ra khi theo đuổi học hành bài bản. Sau thời gian kiên trì thuyết phục, cùng sự tác động của gia đình, Sinh đã chọn con đường theo tiếp đại học.

Thủ khoa quyết bỏ đại học đi làm thuê, ĐH Công nghiệp HN tìm cách giữ - Ảnh 2.

Bố mẹ ly hôn khi còn bé, Sinh ở với người dì làm ruộng. Mẹ đi làm xa ở Quảng Ninh, thu nhập hàng tháng được 3.5 triệu đồng, nhưng chi phí cho bệnh tiểu đường đã hết 2 triệu. Chàng trai đã đến tuổi 18 không khỏi băn khoăn, nếu tiếp tục theo đuổi 4 năm đại học thì người dì và mẹ ốm đau sẽ lo lắng cho mình ra sao. Do vậy, phương án đầu tiên của Sinh tính tới trước mắt là đi làm để có tiền ngay. Thi xong THPT Quốc gia, Sinh đã ra ngay Quảng Ninh để làm thêm cho một nhà hàng; được trả 4 triệu đồng hàng tháng. Sinh tính toán dành 3 triệu cho mẹ và dì, còn 1 triệu chi tiêu cho cậu, tiền ăn ở thì không mất bởi đã được nhà hàng chi trả. Dù những người thân động viên đi học, nhưng cậu không thể đành lòng.

Nguyễn Đình Sinh là thí sinh có điểm cao nhất trong 8 thủ khoa các tổ hợp tuyển sinh được trường cấp học bổng trị giá 100% học phí cho thời gian học đại học (8 á khoa khác được cấp 100% học phí năm thứ nhất). Những thầy cô ở trường kiên trì theo bước Sinh từ ngày cậu có giấy báo trúng tuyển thở phào nhẹ nhõm vì quyết định giờ chót của cậu thủ khoa đặc biệt.

Thủ khoa quyết bỏ đại học đi làm thuê, ĐH Công nghiệp HN tìm cách giữ - Ảnh 4.

“Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục, nhờ sự tác động của gia đình, phút cuối cùng theo quy định trong ngày nộp giấy xác nhận nhập học, Sinh mới ra bưu điện chuyển phát nhanh về trường. Thời gian hết hạn gửi hồ sơ là 5 giờ chiều, mãi đến 4h30 Sinh mới chốt” – ông Trần Ngọc Khánh, Trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên của trường chia sẻ.

Khi được hỏi sẽ khắc phục “điểm yếu” gì của bản thân để theo học một cách tốt nhất, Sinh chậm rãi nói: “Đó là ngôn ngữ. Em sẽ tập để nói rành mạch hơn, và đầu tư vào tiếng Anh”. Và cũng khá giản dị, chàng trai hiếu thảo nói rằng muốn học tập thật tốt để ra trường có việc làm ổn định để nuôi 2 người phụ nữ quan trọng nhất đối với em là mẹ và dì. Sinh cũng không quên cám ơn nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của mình.