Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công kể lại quá trình học tập: “Sau khi ngâm mình bơi hàng giờ dưới nước, mặt ai cũng nhăn nheo, tái xanh đi vì lạnh, trông vừa thương lại vừa buồn cười”.

Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công: Trước đó không hề biết bơi

Với kết quả toàn khóa học 8.02, Phan Thanh Tùng, sinh năm 1998, tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp Trường Sỹ quan Đặc công. Ngoài ra, nam sinh lớp K42 chuyên ngành Đặc công Nước còn ghi cho mình loạt thành tích đáng nể như danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; Được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” năm 2021, 2022 và Nhà trường tặng Giấy khen đoàn viên xuất sắc tiêu biểu năm 2022; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, 2023.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Phan Thanh Tùng cho biết: “Khi biết mình là thủ khoa và sắp tới được UBND thành phố Hà Nội vinh danh, em rất mừng. Đây cũng là món quà em dành cho gia đình, tổ chức, các thầy giáo cô giáo, chỉ huy – những người đã luôn quan tâm, chỉ dạy, động viên mỗi khi em gặp khó khăn trong học tập công tác và cuộc sống”.

Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành "Rái cá biển Đông'' - Ảnh 1.

Phan Thanh Tùng, Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công. Ảnh: NVCC

Tùng kể thêm, để có thành tích như vậy, ngay từ khi còn đang học cấp 3 đã nuôi ước mơ để trở thành sĩ quan quân đội. Từ đó, Tùng xác định tư tưởng cố gắng học tập, ôn luyện và quyết tâm thi đỗ vào Trường Sỹ quan Đặc công.

“Khi đỗ vào trường rồi gặp môi trường mới, phương pháp học tập mới, em lại phải tìm cho mình cách học phù hợp. Em quyết tâm tận dụng tốt thời gian mọi lúc mọi nơi, học cả đồng chí đồng đội mình. Cái gì không biết thì em hỏi, tuyệt đối không e ngại hay “giấu dốt”. Bên cạnh đó, em cũng phải rèn luyện thể lực, sức bền để đáp ứng tốt các nội dung học tập đặc thù trong quân đội”, Tùng kể.

Nói về lý do chọn Trường Sỹ quan Đặc công, một ngôi trường đặc biệt vất vả và nguy hiểm, Tùng cho hay: “Em xuất thân trong gia đình có ông nội là sĩ quan hải quân nhân dân Việt Nam và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng nên từ nhỏ em đã thích quân đội. Lớn lên em thấy môi trường học tập ở đúng là một “phép thử” ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của bất kỳ bạn trẻ nào.

Trước khi đăng ký thi, bạn bè cùng trang lứa cũng khuyên em cần cân nhắc kỹ vì học trường này vừa vất vả vừa nguy hiểm, trong khi lực học của em có thể thi đỗ một số trường top đầu. Nhưng em vững lập trường của mình vì nghĩ rằng càng môi trường khó khăn, gian khổ, thậm chí là khắc nghiệt thì càng kiểm nghiệm và thể hiện được năng lực thực sự của bản thân”.

Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành "Rái cá biển Đông'' - Ảnh 2.

Thanh Tùng trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Được biết, ông nội của Tùng nguyên thuyền trưởng tàu chiến đấu thuộc Trung đoàn Hải quân 171 (tiền thân của Lữ đoàn 171 Hải quân ngày nay), từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt với quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đặc biệt, theo tiết lộ của Tùng, trước khi vào quân đội không hề biết bơi. Sau đó, Tùng được các thầy ở trường chỉ dạy tận tình và tự nhận thấy có duyên với nước. Vì vậy khi đăng ký chuyên ngành, Tùng đã chọn Đặc công Nước. Tùng muốn được ra biển, muốn vùng vẩy như những “Rái cá biển Đông” (biệt danh của bộ đội Đặc công nước Việt Nam) và hơn nữa là muốn thử thách bản thân mình.

Ngôi trường rèn luyện khắc nghiệt

Để trở thành thủ khoa Trường Sĩ quan Đặc công, Tùng cho hay: “Học Đặc công đã vất vả, Đặc công Nước càng vất vả, khắc nghiệt và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Đặc công Nước là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được huấn luyện để tiến công các mục tiêu dưới nước của đối phương như bến cảng, tàu thủy và các mục tiêu chỉ có thể xâm nhập qua đường thủy như căn cứ biệt lập, căn cứ thủy quân…

Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành "Rái cá biển Đông'' - Ảnh 3.

Học viên Đặc công Nước tập luyện bơi trên biển. Anhr: NVCC

Chúng em phải trải qua các nội dung như bơi từ 10km trở lên trên sông hay từ 10 hải lý trở lên đối với trên biển, bơi dong kéo mang theo vũ khí trang bị. Ngoài ra, chúng em còn phải lặn sâu bằng khí tài bắt trúng mục tiêu hay phải ngâm mình hàng giờ dưới nước trong điều kiện thời tiết giá rét… Có thể nói học Đặc công nước đều là những học viên có sức khỏe tốt, sức chịu đựng tốt, giỏi bơi lội, giỏi chiến thuật và tinh thông võ thuật”.

Ở môi trường khắc nghiệt đó, Tùng và các bạn cũng đã có rất nhiều những kỷ niệm khó quên. Tùng kể: “Em nhớ nhất là trong quá trình diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa đúng vào lúc miền bắc rét đậm rét hại. Đêm đó chúng em phải bơi tiếp cận mục tiêu. Đứng trên bờ nhìn thấy nước bốc hơi nghi ngút ai cũng rét run nhưng vì nghiệm vụ chỉ có mệnh lệnh và thực hiện cho bằng được. Sau khi ngâm mình bơi hàng giờ dưới nước, mặt ai cũng nhăn nheo, tái xanh đi vì lạnh, trông vừa thương lại vừa buồn cười. Chúng em còn trêu nhau “đúng chỉ có người điên hôm nay mới đi bơi tụi mày ạ”.

Sau khi xuất sắc tốt nghiệp với vị trí thủ khoa, Trung úy Phan Thanh Tùng tiết lộ về kế hoạch sắp tới: “Em muốn phát huy hết tất cả kiến thức mà mình đã được học và trên cương vị mới. Em tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẳng định bản thân để không phụ lòng tin yêu của gia đình, tổ chức và những người đã luôn yêu thương quan tâm giúp đỡ em”.

Nhận xét về Phan Thanh Tùng, Trung tá Lưu Văn Thuấn, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên tiểu đoàn 1, Trường Sỹ quan Đặc công, cho hay: “Tùng là một học viên tiêu biểu về mọi mặt. Gương mẫu trong học tập, rèn luyện. Tác phong chỉ huy chững chạc thể hiện rõ là người sĩ quan đặc công mưu trí, linh hoạt. Với tính cách điềm đạm, luôn cầu thị, học hỏi và là hạt nhân xung kích trong các hoạt động phong trào của đơn vị. Ngoài ra, Tùng cũng là trung tâm đoàn kết trong tập thể trung đội, đại đội được mọi người yêu mến. Với những gì đã phấn đấu và gặt hái được trong 4 năm học, tôi tin tưởng đồng chí Tùng sẽ là người cán bộ Đặc công ưu tú”.