Sau khi nhận tiền trúng số, anh T (Long An) mở công ty, xây biệt thự, mua xe ô tô và hưởng cuộc sống xa hoa.

Đường vào xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An thẳng tắp. Hai bên đường những ruộng lúa đang ngả màu vàng, hạt nặng trĩu. Những vườn thanh long đang trổ bông trắng muốt. Một dự án khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù để tới đây sẽ khởi công xây dựng.

Tôi ngồi nghỉ khoảng 20 phút ở quán nước đầu làng vì phải chạy đường xa đến. Có  hơn 10 người bán vé số vào quán mời mua. Trong số đó có cả trẻ em, người già, phụ nữ và đàn ông.

Chuyện anh cửu vạn nghèo trúng số

Chị Thủy, 49 tuổi là chủ quán mang nước ra đon đả mời khách. Chị cho biết, ở An Nhựt Tân người bán vé số nhiều, người trúng số cũng nhiều.

‘Chỉ cần ngồi ở quán nước, chợ hay quán ăn… thì có vô số người đến mời chào. Khách không mua chỉ lắc đầu cũng đủ mỏi’, chị chủ quán nói và cho biết, bao nhiêu năm qua ngày nào chị cũng mua vé số, mong trúng số như người ta mà chưa được… ‘gọi tên’.

{keywords}

Chợ Nhật Tạo, xã An Nhựt Tân trước đây là nơi mua bán vé số rầm rộ. Ảnh: T.A.

Người phụ nữ cho biết, từ năm 1991, người dân ở xã bắt đầu rộ lên tin trúng số. Năm đó anh T. C.T, hiện 55 tuổi trúng một lúc 42 tờ độc đắc.

Người dân địa phương kể, anh T quê Long Xuyên. Những năm 80 anh làm nghề lơ xe tuyến Sài Gòn – Miền Tây. Khi đi qua Long An anh phải lòng chị N.T.U, cùng tuổi ở xã An Nhựt Tân.

Vì không được hai gia đình đồng ý, vợ chồng họ chỉ đưa nhau đi đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới. Sau đó, họ dựng một căn chòi ở tạm. Hằng ngày, chị U đi bán nước còn anh T bỏ nghề lơ xe đi làm cửu vạn.

Một lần anh T gặp cụ ông bán vé số, đến gần giờ quay (giờ sổ số) mà vẫn còn 42 tờ cùng số chưa bán. Gặp anh T, ông mời mua giúp. Thương cụ ông, anh T mua hết sấp vé cùng số.

Tối đó, vợ chồng anh T đang ăn cơm với nhau thì cụ ông bán vé số lúc chiều đến nhà báo tin vui. Khi nghe mình trúng cả 42 tờ độc đắc, anh T ban đầu không tin. Đến khi cụ mời vợ chồng anh cùng dò, nhìn dãy số trong tờ vé số và cuốn sổ, anh mới tin mình nhận được ‘lộc trời’ thật.

Mở công ty, xây biệt thự, mua ô tô

{keywords}

Ông P cho biết, từ khi đi khỏi địa phương rất ít khi vợ chồng anh T về thăm quê. Ảnh: T.A.

Ông N.T.P ở xã Nhựt Ninh là anh vợ của anh T. Ông cho biết, sau khi trúng số, vợ chồng anh T cho anh em trong gia đình hai bên nội ngoại mỗi người 40-50 triệu đồng. Số còn lại, anh làm vốn kinh doanh, mua đất ở mặt tiền đường quốc lộ 1A xây biệt thự rộng hàng ngàn m2 và mua xe ô tô.

Từng có kinh nghiệm từ nghề lơ xe, anh mua xe khách, xà lan, máy xúc mở công ty vận tải. Anh còn mở một quán cà phê cho chị U quản lý.

Nửa cuối những năm 90, công việc làm ăn của anh T thuận lợi, tạo được việc làm cho anh chị em trong gia đình, người dân ở xã An Nhựt Tân. ‘Vợ chồng nó lúc đó có của ăn của để lắm. Đi đâu cũng đi bằng xe ô tô. Ở xã ai cũng gọi nó là đại gia’, ông P kể về vợ chồng em gái.

Nhưng cùng với đó, khi có một số tiền lớn không phải vất vả để có được, anh T bắt đầu đổ đốn. Anh ăn chơi, nhậu nhẹt, ngoại tình và đối đãi hậu hĩnh với nhân viên.

‘Nó tiêu tiền thoải mái lắm. Ở địa phương ai cũng ‘nể’ nó’, ông P nói.

Phải bỏ xứ ra đi

Năm 2001 việc làm ăn của anh T bắt đầu thua lỗ. Một năm sau thì anh phá sản, đổ nợ hơn 17 tỷ đồng. Những người anh em thân cận cũng bỏ đi. T phải bán hết nhà, xe, sang lại công ty để trả nợ.

‘Căn biệt thự của vợ chồng nó ở mặt tiền đường lớn, rộng và đẹp lắm. Nếu để đến bây giờ thì phải bán được hàng trăm tỷ đồng’, ông P nói.

{keywords}

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương hiện là Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân. Ông cho biết, hiện ở xã có ba người phải bỏ xứ ra đi vì vỡ nợ sau khi trúng số. Ảnh: T.A.

Ông cũng cho biết, may mắn, sau khi bán hết tài sản, anh T vừa đủ trả nợ và còn dư khoảng 1 tỷ để mưu sinh. ‘Vợ chồng nó gửi con về nhà nội nhờ nuôi giúp rồi cùng đi nơi khác sống’, ông P kể.

Chị Thủy cũng cho biết, một buổi sáng của năm 1980, chuyện anh T phá sản, đổ nợ lan khắp nơi. Người dân trong xã đến căn biệt thự của vợ chồng anh T ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) nghe ngóng tình hình nhưng cửa đóng im ỉm, không một bóng người. ‘Tôi chỉ nghe phong thanh vợ chồng anh ấy bị chủ nợ kéo đến đòi nên phải trốn đi’, người phụ nữ quê Long An nhớ lại.

Theo ông P, hiện vợ chồng anh T đang ở TP.HCM. Người chồng mưu sinh bằng nghề làm bảo vệ, còn chị U thì phục vụ ở nhà hàng. Nhưng đến nay, cả gia đình ông không biết, vợ chồng chị U cụ thể đang ở đâu. ‘Có lẽ, vợ chồng nó ngại nên không dám về quê. Lâu lâu, hai vợ chồng nó có gọi về hỏi thăm anh em, nhưng không cho địa chỉ đang ở. Tôi mong, ở đâu đó, vợ chồng U sẽ hạnh phúc’, ông P nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân cho biết, tính đến nay, anh T là người trúng số độc đắc nhiều nhất ở xã, cụ thể là 42 tờ cùng lúc. Tuy nhiên, sau khi được ‘lộc trời’ anh đã không biết trân trọng. Anh làm ăn sai cách, ăn chơi quá đà, tiêu tiền không tiếc, vì thế đã trở về với con số 0 ban đầu.

Cũng theo ông Phương, hiện nay, ở địa phương không ai biết vợ chồng anh T đang ở đâu, làm việc gì, cuộc sống gia đình ra sao. ‘Tôi chỉ nghe người ta kể rằng, vợ chồng anh ấy đến Sài Gòn thuê nhà trọ sống, chồng đi làm bảo vệ, vợ phục vụ quán ăn chứ không biết thực hư ra sao’, vị chủ tịch xã An Nhựt Tân nói.