TS Trần Quang Hóa (phó trưởng khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế) là nhà toán học người Việt vừa được Viện hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng giải thưởng Tremplin.
TS Trần Quang Hóa – Ảnh: NHẬT LINH
Giải thưởng nhằm vinh danh những “bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu giữa Pháp với các nước ASEAN”. TS Trần Quang Hóa cùng GS Marc Chardin – chuyên gia Viện toán học Jussieu Paris Rive Gauche, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp – đã vượt qua hàng ngàn nhà toán học để giành giải thưởng này với đề tài “Mô tả hình học trong đại số giao hoán”.
Phần thưởng cho niềm đam mê nghiên cứu
* Cảm xúc của ông như thế nào khi được trao thưởng Tremplin? Giải thưởng này hữu ích thế nào với các nhà toán học, đặc biệt là với cá nhân ông?
– Tôi thấy rất vui và khá may mắn. Giải thưởng mở ra cho tôi nhiều điều kiện để theo đuổi đam mê nghiên cứu những con số của mình. Tremplin không chỉ là một giải thưởng, nói đúng hơn nó là cơ hội của tôi.
Số tiền ấy tôi không được phép sử dụng vào mục đích cá nhân mà chỉ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học.
Trong tương lai, khi tôi hay những cộng sự Việt Nam của tôi muốn sang Pháp, hay đi đâu đó để nghiên cứu tiếp đề tài trên thì số tiền này sẽ được dùng để chi trả những chi phí đó.
* Đề tài “Mô tả hình học trong đại số giao hoán” của ông nghe khá trừu tượng. Nghĩ một cách đơn giản, đó là gì, thưa ông?
– Đúng là cái tên nghe hàn lâm, khó hiểu với người ngoài chuyên ngành toán. Nghĩ một cách đơn giản, chúng tôi đi tìm một thuật toán để có thể mô phỏng mọi vật thể lên máy tính bằng những tia mà tôi gọi là “ánh xạ hữu tỉ”.
Giả dụ như chiếc cốc đựng nước, trước đây muốn mô phỏng nó trên phần mềm máy tính thì cần 5 vạn ánh xạ hữu tỉ giao nhau.
Cái chúng tôi nghiên cứu là một thuật toán mà khi dùng nó chỉ cần 3 vạn ánh xạ hữu tỉ cũng có thể mô phỏng được cái cốc nước với đầy đủ tính năng, khuôn mẫu.
Tất nhiên cái chúng tôi nghiên cứu là lý thuyết. Và lý thuyết này hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế như mô hình hóa in 3D các vật thể (ví dụ ngoại hình ô tô, máy bay…). Việc này giúp các kỹ sư có thể áp dụng, đưa ra các mẫu thiết kế mới để giảm chi phí sản xuất, giá thành…
Suýt “đứt gánh” vì nghèo
* Hành trình đến với giải thưởng này của ông như thế nào?
– Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Phong Chương (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Nhà tôi nghèo lắm.
Bố mẹ tôi có bảy người con, phần lớn chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, đi làm vì không có tiền. Riêng tôi với một người em gái được bố mẹ, anh chị “cưng chiều” cho đi học lên đại học nhưng cũng mấy lần suýt phải “đứt gánh” vì nghèo.
Tôi chọn sư phạm toán bởi lúc đó không còn lựa chọn nào khác. Ngành sư phạm không tốn tiền học phí nên sẽ đỡ cho gia đình. Lúc đó thực tình tôi cũng nghĩ học toán thật chán. Thế nhưng càng học, càng nghiên cứu tôi lại càng thấy chẳng chán chút nào.
Thậm chí toán học còn rất hữu ích bởi tất cả những thứ chúng ta đang dùng hằng ngày như mạng xã hội, điện thoại thông minh… đều xuất phát từ những thuật toán. Chính toán học đang dần thay đổi thế giới này theo từng phút, từng giây.
Đề tài đầu tiên giáo sư giao cho tôi nghiên cứu chính là đề tài về mô tả hình học trong đại số giao hoán nói trên. Phải mười tháng sau khi được giao đề tài này, tôi mới có những kết quả nghiên cứu đầu tiên, khi phương trình tôi tìm ra cho kết quả được giáo sư chấp nhận.
Kết thúc quá trình học ở Pháp, tôi trở lại Huế làm việc và tiếp tục cùng GS Marc Chardin nghiên cứu đề tài này. Đầu năm nay tôi được thông tin đề tài của chúng tôi được Viện hàn lâm Khoa học Pháp chọn để trao giải Tremplin.
* Môn toán qua lăng kính của ông khá thú vị. Nhưng thực tế hiện nay nhiều người cho rằng toán ở phổ thông hay đại học chỉ lấy điểm, qua môn. Ông nghĩ gì về điều này?
– Thực tế đó là điều tôi cùng những đồng nghiệp của mình đang muốn thay đổi và chứng minh học toán không hề nhàm chán. Nếu chán là do cách dạy, cách học đang gặp vấn đề.
Toán học là môn khoa học cơ bản được các nước tiên tiến trên thế giới chú trọng và được đầu tư rất lớn. Bởi chỉ cần một phương trình, một thuật toán mới có thể thay đổi cả thế giới, như mạng xã hội chẳng hạn.
Hiện nay nhiều người cho rằng học toán rất chán. Điều đó đúng nếu chỉ nói lý thuyết. Như tôi nói về đề tài của tôi nghiên cứu mô tả hình học trong đại số giao hoán nghe khô khan và chẳng hiểu gì cả.
Nhưng nếu tôi nói đề tài này có thể tạo ra một loại máy bay phản lực mới chẳng hạn, giúp nó bay nhanh hơn, chế tạo ít tiền hơn những loại cũ thì rất thú vị, đúng không?
* Vậy theo ông, phải làm gì để học toán không thấy chán?
– Tôi đang cố gắng áp dụng phương pháp giảng dạy của GS Marc Chardin – người thầy của tôi. Ông ấy không đặt nặng khoảng cách giữa thầy – trò mà luôn coi tôi là đồng nghiệp, tôn trọng những gì tôi làm.
Vị giáo sư ấy luôn sẵn sàng phản biện, lắng nghe tôi phản biện và sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của tôi bất cứ lúc nào. Đó là cách mà ông ấy truyền cảm hứng và tạo động lực cho tôi theo đuổi con đường nghiên cứu toán học.
Tại khoa toán của Trường ĐH Sư phạm Huế nơi tôi đang giảng dạy cũng vậy. Chúng tôi nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành một môi trường mở, người học luôn được tôn trọng và ai cũng có thể phản biện khoa học. Ai cũng nghĩ trường sư phạm là đào tạo ra giảng viên đúng không?
Nhưng ngoài việc đó ra thì hiện nay khoa chúng tôi cũng đang duy trì hoạt động nghiên cứu khoa học khá hiệu quả.
Phần lớn các giảng viên của khoa, thậm chí có cả sinh viên đã có những đề tài khoa học, những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín. Dĩ nhiên, điều tiên quyết nhất để làm nghiên cứu tốt thì phải… no cái bụng đã.