Rất nhiều người quan tâm rằng nếu cha mẹ đã cho tặng đất cho con, sau đó có thể lấy lại nữa không?
Tặng cho đất đai là gì?
Tặng cho đất đai là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho quyền sử dụng đất của mình cùng diện tích thửa đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu thanh toán. Đây là một trong những hình thức chuyển quyền sử dụng đất.
Hiện nay phổ biến giao dịch tặng cho nhà đất thực hiện giữa những chủ thể có quan hệ huyết thống; nuôi dưỡng, hôn nhân trong gia đình.
Việc tặng cho đất có thể là cho toàn bộ thửa đất; hoặc cho một phần diện tích đất. Đối với giao dịch tặng cho một phần mảnh đất thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục tách thửa đất sau đó thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được tặng cho.
Thực tế có nhiều trường hợp bố mẹ tặng cho đất cho con nhưng chưa thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nên tồn tại tình trạng: Đất là của bố mẹ; nhà là của con. Trong trường hợp này dễ xảy ra tranh chấp sau này.
Có được lấy lại đất khi con “thay đổi tính nết”?
Việc con “thay đổi tính nết” như không kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí còn xúc phạm danh dự, nhân phẩm,… từ đó dẫn tới mâu thuẫn giữa cha mẹ và con.
Tuy nhiên, dù con cái “thay đổi tính nết” như trên thì cha mẹ cũng không có quyền lấy lại đất đã tặng cho vì những lý do sau đây:
(1) Các bên tặng cho tự nguyện, không lừa dối, cưỡng ép nên không có căn cứ để Tòa án tuyên vô hiệu.
(2) Việc tặng cho đã hoàn tất và đã có hiệu lực
Việc tặng cho quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nghĩa là việc tặng cho đã hoàn tất kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”.
Mặc dù đây là quy định có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 nhưng Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai trước đó đều thống nhất quy định như trên.
Mẫu Giấy chứng nhận theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT gồm có 04 trang:
– Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số seri gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Trang 2 in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
– Trang 3 in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.
– Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.
– Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.
Ngay cả các mẫu Giấy chứng nhận trước đó đều không thể hiện nội dung được lấy lại đất sau khi việc tặng cho đã có hiệu lực.
Tóm lại, dù con cái có thay đổi tính nết thì cha mẹ cũng không có quyền lấy lại đất, trừ một số trường hợp như tặng cho bằng lời nói, chưa đăng ký,… (trên thực tế có nhiều trường hợp phức tạp, không thỏa mãn các điều kiện để việc tặng cho có hiệu lực thì vẫn “có thể” lấy lại đất).
Sang tên Sổ đỏ xong sẽ có quyền gì?
Khi việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất hoàn tất thì người nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng được cấp Giấy chứng nhận mới và được ghi tên tại trang bìa của Giấy chứng nhận đó hoặc được ghi tại trang 4 Giấy chứng nhận nếu vẫn giữ sổ cũ.
Theo Điều 166, 167 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có các quyền chung như sau:
(1) Được cấp Giấy chứng nhận.
(2) Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
(3) Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
(4) Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
(5) Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
(6) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
(7) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
(8) Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, cụ thể là người sử dụng đất sẽ có các quyền khi đủ các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.