Tài xế xe khách đang lái xe bị đột quỵ vẫn cố đánh lái để dừng xe an toàn đã qua đời và được đưa về quê nhà tại thị xã La Gi, Bình Thuận an táng.
Tối 3/9, nhà xe Vinh Hoa ra thông báo anh N.T.B (53 tuổi) tài xế xe khách tuyến TP.HCM – Bình Thuận bị đột quỵ khi đang lái xe chở khách tại quận 5 (TP.HCM) đã qua đời và được đưa về quê nhà tại thị xã La Gi an táng.
Trước đó, chiều 2/9, mạng xã hội xôn xao trước video ghi lại cảnh tài xế xe khách tuyến TP.HCM- Bình Thuận vừa dứt cuộc nói chuyện điện thoại thì có biểu hiện của người bị đột quỵ. Dù tay chân co giật liên tục, nam tài xế vẫn cố gắng dừng được chiếc xe bảo đảm hành khách an toàn và không gây thiệt hại trên đường.
Khi xảy ra sự việc, hành khách trên xe không biết cách sơ cứu nên đã gọi cấp cứu để đưa tài xế vào bệnh viện.
Hình ảnh nam tài xế bị đột quỵ được cắt từ camera hành trình trên xe ghi lại.
Theo tìm hiểu của VTC News, nam tài xế bị đột quỵ tên N.T.B, thuộc nhà xe Vinh Hoa, chuyên phục vụ tuyến TP.HCM – Thị xã La Gi (Bình Thuận).
Đã có rất nhiều lời chia sẻ, bày tỏ tiếc thương sâu sắc của đồng nghiệp, hành khách đi xe thường xuyên đối với tài xế lái xe thân thiện.
Anh L.Q.T chia sẻ: “Vĩnh biệt đồng nghiệp, một bạn hữu luôn vui vẻ khi gặp mặt”
Chị N.T đã bày tỏ tiếc thương: “Thành thật chia buồn cùng gia đình. Thành kính phân ưu, người đã đưa tôi đi về trên cung đường này bao nhiêu năm nay rất thân thiện. Mong anh an nghỉ và siêu thoát“.
Trước đó, ngày 7/8, tài xế S.T. xe Phương Trang đang chở khách từ TP.HCM đi Sóc Trăng cũng bị đột quỵ. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, anh S.T. vẫn gắng gượng đánh lái, tấp xe vào lề. Sau đó anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, khi gặp người có dấu hiệu bị đột quỵ, những người xung quanh cần thực hiện ngay các động tác sơ cứu sau: Cùng với việc gọi cấp cứu 115, cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.
Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh. Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh. Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.
Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh. Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.