Vợ chồng bà Phùng Tú Lan, 65 tuổi ở quận 6, TPHCM đã cất được gánh nặng “nuôi ăn các cháu không đủ lấy gì nuôi học?”, sau khi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ để mở quán nước trước nhà trọ.
“Tôi cảm ơn cộng đồng đã cho cần câu cơm để tôi làm ăn nuôi cháu. Nếu được cho tiền mà tôi không chịu lao động có nhiều thì xài hoài cũng hết”, bà Lan rớm nước mắt, nói với PV Dân trí, ngày 19/9.
Trước đó, dịp Vu Lan ngày 12/8, ba cháu ngoại bà Lan cầm bông hồng trắng đến chùa, mân mê bình tro cốt mẹ, PV Dân trí cũng đã ghi lại những khoảnh khắc xúc động.
Vợ chồng bà Lan đưa 3 cháu đến chùa viếng mẹ ngày Vu Lan năm nay (Ảnh: Hải Long).
Sau khi người con gái duy nhất qua đời vì Covid -19 hồi năm ngoái, vợ chồng bà Lan thay con nuôi 3 đứa trẻ không biết mặt cha. Hơn 1 năm qua, ông Nghĩa phải cật lực chạy xe giao đồ ăn, kiếm hơn trăm nghìn mỗi ngày. Gánh nặng mưu sinh đè lên vai ông ngoại đã 66 tuổi, mang trong mình nhiều căn bệnh của tuổi già.
Bà Lan phải ở nhà chăm cháu. Hai bữa ăn hàng ngày của gia đình 3 trẻ, 2 già đó chỉ là mấy chục ngàn xương cục nấu với rau để chan cơm. Hình ảnh đó gây ám ảnh với rất nhiều bạn đọc.
Ngày con gái mất cũng là thời điểm hai ông bà bắt đầu chật vật, lo lắng: “Nuôi ăn không đủ lấy gì nuôi các cháu học?”. Tuy nhiên, sau khi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ hơn 50 triệu đồng thông qua quỹ Nhân ái và được nhiều nhà hảo tâm khác tặng vật dụng để mở quán nước, bà Lan có thêm niềm tin sẽ lo được cho các cháu được ăn học tới nơi tới chốn.
Quán nước ngay trước hiên căn nhà trọ rộng chừng 10m2, tất cả các thiết bị, dụng cụ như máy ép nước trái cây, máy vắt cam, máy đóng nắp cốc nhựa cùng bàn ghế, mái hiên… đều do những người không quen biết mang đến tặng. Chủ trọ cũng hỗ trợ, không lấy tiền thuê chỗ để ông bà yên tâm kinh doanh.
Mỗi ngày, ông bà dậy từ 5 giờ sáng. Trong khi ông Nghĩa chuẩn bị dọn hàng thì bà Lan lo việc nhà, gọi các cháu dậy để cho đi học. Cháu lớn Ngọc Thảo đã lên lớp 5. Cô em Ngọc Xuân, 5 tuổi vừa được bà ngoại đăng ký cho học mẫu giáo ở một trường công gần nhà. Riêng cậu út Quốc Hiếu, 3 tuổi hiện vẫn đang ở nhà bà trông. Bà Lan dự tính sang năm mới cho cháu đi mẫu giáo.
Vợ chồng bà Lan được nhà hảo tâm tặng mọi vật dụng cần thiết để mở quán nước trước hiên nhà trọ (Ảnh: Diệp Phan).
Dù việc buôn bán vất vả nhưng bà Lan cho biết mình cảm thấy vui vì hàng ngày kiếm được tiền lo cho các cháu (Ảnh: Diệp Phan).
Ông Nghĩa cho biết, ngoài việc bán nước cho khách lẻ, kiếm mỗi ngày hơn trăm nghìn, cứ vài ngày, vợ chồng ông bà lại nhận được đơn đặt hàng từ 100 -200 ly nước cam các nhà hảo tâm mua mang đi từ thiện. Những lúc như thế, ông Nghĩa không chạy giao hàng như trước mà phụ vợ ép cam.
“Có hôm được nghỉ, con ở nhà phụ ông bà ép cam đến mỏi tay”, cô bé Ngọc Xuân, 5 tuổi, thỏ thẻ kể.
Có quán nước để buôn bán, có đồng ra đồng vào, gánh nặng kinh tế đỡ hơn với ông ngoại 66 tuổi. Tinh thần của đôi vợ chồng già cũng phấn chấn hơn, nụ cười với khách hàng, với các cháu đã che bớt nét u sầu trên gương mặt hai ông bà.
Khách hàng đến mua nước ép chiều ngày 19/9 (Ảnh: Diệp Phan).
Ông Thái, 68 tuổi, ở quận 8 cho biết, đã ghé quán của vợ chồng ông Nghĩa mua nước cam được 4 -5 lần. Hôm nào dư giả, ông còn mua ủng hộ bà Lan thêm 5kg cam tươi mang về nhà dùng dần.
“Thấy hoàn cảnh ông bà nuôi cháu khó khăn, tôi chỉ biết ủng hộ ly nước cam để động viên ông bà cố gắng làm. Được nhà hảo tâm giúp đỡ, ông bà lập tức cố gắng làm ăn như vậy, tôi thấy rất vui, cảm phục”, ông Thái nói.
Chị Yến, 42 tuổi, ở Tiền Giang là mối bỏ sỉ cam tươi cho bà Lan được gần một tháng nay. Thường vợ chồng chị đánh xe tải chở cam từ Tiền Giang lên Sài Gòn bỏ cho các mối lớn. Riêng vợ chồng bà Lan, quán nước mỗi ngày bán vài chục kilogam cam, chỉ là mối nhỏ nên chị phải lấy xe máy chở từ điểm tập kết hàng tới.
“Tuy mất công nhưng vì yêu quý vợ chồng bà và các cháu nên tôi muốn chở đến, vừa là công việc, vừa là để thăm gia đình ông bà”, chị Yến nói.
Người phụ nữ còn cho biết thi thoảng thấy khách đông, chị cũng phụ làm nước, hoặc thậm chí nấu cơm, rửa chén phụ bà Lan nếu bà không làm kịp việc.
Gia đình ông Nghĩa gửi lời tri ân đến bạn đọc Dân trí và nhiều nhà hảo tâm đã tặng “cần câu cơm” (Ảnh: Hải Long).
Dù phải thức khuya dậy sớm lo việc buôn bán nhưng bà Lan cảm thấy vui hơn so với trước, khi chỉ biết ngồi không trông cháu. Ông Nghĩa cũng không còn phải một mình vật lộn ngoài đường từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, mệt cũng không dám nghỉ vì sợ không đủ tiền chợ mua thức ăn cho gia đình. Phụ vợ xong, rảnh rỗi ông lại bập app giao hàng lên để chạy thêm.
“Mỗi ngày chạy quán xong, đêm nằm xuống cũng thấy nhức mỏi nhưng có công việc để làm kiếm tiền lo cho gia đình, cho các cháu hàng ngày nên tôi vui lắm. Tôi sẽ lo cho các cháu ăn học đến khi không còn sức nữa thì thôi”, bà Lan phấn khởi nói.