Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Ông Mai Văn Khiêm – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4 nên ngày và đêm nay ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.

“Chúng tôi tiếp tục cảnh báo, nhấn mạnh hoàn lưu bão số 4 gây ra lượng mưa rất lớn trên phạm vi rất rộng từ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, nam Đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí Tây Nguyên và Nam Bộ.

Chính vì vậy chúng tôi vẫn nhấn mạnh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là vùng núi các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An” – ông Khiêm nói.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 6 giờ tới (từ 10h – 16h), bão số 4 tiếp tục di chuyển theo hướng tây và đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị.

Đến 16h chiều nay, tâm bão đang ở trên đất liền 2 tỉnh này, cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10 – 11.

Trong chiều đến tối nay, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng áp thấp ở trên khu vực trung Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 – 11, sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6 – 7.

Đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay.

Từ nay đến hết ngày 20-9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Đề phòng mưa cường suất lớn (trên 150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị – Đà Nẵng trong ngày 19-9.

Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6 – 7 (39-61km/h), sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 – 9 (62-88km/h), giật cấp 10 – 11 (89-117km/h), sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với thủy triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19-9.

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng gió vẫn giật cấp 10

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chiều nay, lúc 14h, bão số 4 đi vào đất liền Quảng Bình – Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.

Sáng đến trưa nay (19-9), ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to Tà Long (Quảng Trị) 179mm, Mai Hóa (Quảng Trị) 151mm, Trọng Hóa (Quảng Bình) 114mm,…

Lúc 14h chiều nay tâm áp thấp nhiệt đang trên đất liền Quảng Bình Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10 (89-102km/h).

Trong chiều nay, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Ở vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khả năng có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7-8, giật cấp 10, sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6-7.

Ven biển các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều ngày 19-9.

Từ chiều 19 đến ngày 20-9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Đề phòng mưa cường suất lớn trên 100mm/6 giờ ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều và đêm nay.

Quảng Bình, Quảng Trị gấp rút sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước “giờ G”

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, công tác sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đang được các lực lượng thực hiện nhanh chóng và có tổ chức nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Đặc biệt, người già, trẻ em và các hộ gia đình khó khăn được ưu tiên di dời đến các nơi trú ẩn an toàn như trường học, nhà văn hóa cộng đồng, và các công trình kiên cố.

Các khu vực nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, đặc biệt là các vùng ven biển, vùng trũng thấp và những nơi có nguy cơ sạt lở đất đã được chỉ đạo khẩn trương sơ tán.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 1.

Các lực lượng chức năng, vận động sơ tán người dân bản Mít Cát, xã Kim Thủy đến công trình nhà văn hóa

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Lình – Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy – cho biết địa phương vừa hoàn tất việc sơ tán 36 hộ gia đình với 160 nhân khẩu của bản Mít Cát trên địa bàn khỏi địa điểm sạt lở.

“Những hộ dân này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, nên sáng nay (19-9), xã đã đưa người dân đến vị trí an toàn. Xã đã cung cấp thực phẩm trong vài ngày tới cho người dân để vượt qua bão lụt” – ông Lình nói.

Trong khi đó, ông Trương Văn Minh – Chủ tịch xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa – cho biết khoảng 11 giờ cùng ngày, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở đất khiến một nhà tại thôn Tân Lý rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đã đến hiện trường di dời hộ gia đình đến nơi an toàn.

Trước đó, chính quyền thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cũng đã tổ chức di dời gần 40 hộ dân sống dưới chân núi Cây Sường, bởi dãy núi này trước đó xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhằm phòng tránh tình trạng mưa lớn gây sạt lở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào nhằm tránh nguy hiểm tính mạng, tài sản cho người dân.

Tin bão số 4 lúc 14h

Vị trí tâm bão: Khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 106.9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị.

– Sức gió mạnh nhất: Cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10.

– Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 – 20km/h.

Trời nắng ráo, người dân Đà Nẵng vẫn nâng cao cảnh giác, không chủ quan với bão

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 2.

Ngày 19/9, tại TP. Đà Nẵng thời tiết nắng ráo, không có gió lớn, tuy nhiên công tác phòng chống mưa bão vẫn được duy trì ở mức cao. Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) các ngư dân vẫn túc trực, có mặt trên các tàu cá để kiểm tra tàu thuyền bảo đảm an toàn tài sản.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 3.

Trao đổi với phóng viên, các ngư dân cho biết, thời tiết nắng ráo không có gió nhưng mọi người vẫn không chủ quan vì thời tiết rất bất thường, khó đoán.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 4.

Các ghe, thuyền nhỏ được di chuyển vào sát bờ, trong khi các tàu lớn neo đậu sát nhau ở phía ngoài âu thuyền để tạo thành một hàng rào che chắn nếu có gió. Đây là cách và kinh nghiệm ngư dân miền Trung neo đậu tàu thuyền để bảo vệ tài sản của nhau.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 5.

Trong sáng nay, nhiều tàu thuyền có nguy cơ chìm, vào nước vẫn được các ngư dân Đà Nẵng khẩn trương đưa lên bờ đề phòng bất trắc nếu có mưa, gió lớn.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 6.

Các ngư dân cho biết, chấp nhận bỏ một khoản tiền từ 400-600 ngàn đồng cho một lần cẩu tàu lên bờ để giảm thiểu thiệt hại nếu có mưa, gió lớn.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 7.

Một ngư dân tranh thủ nắng ráo, kiểm tra tàu cá của gia đình đang neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang. Mỗi tàu cá hàng tỉ đồng là tài sản lớn của cả gia đình nên ngư dân miền Trung luôn nâng cao cảnh giác khi có cảnh báo mưa, bão.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 8.

Nhiều ghe thuyền nhỏ được người dân kéo về nơi cao để bảo quản.

Bão số 4 suy yếu nhưng gió vẫn giật cấp 10; Cảnh giác nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở miền Trung- Ảnh 9.

Từ ngày 18/9, Đà Nẵng ngừng tham quan bán đảo Sơn Trà để đề phòng mưa bão. Đến sáng nay, thời tiết nắng ráo, không mưa, gió nhưng các chốt chặn tại khu vực vẫn được duy trì để ngăn không cho phương tiện, người dân không có nhiệm vụ lên bán đảo.