Biết vợ bệnh, cháu ốm mà không có tiền lo thuốc thang, ông Hải chỉ ứa nước mắt, bất lực. Không có tiền nên nhà ông thường xuyên ở trong cảnh bữa đói, bữa no…
Nửa đời sống trong cảnh mù lòa
Nằm bên con kênh nhỏ yên bình, nhưng ngôi nhà của ông Sơn Ngọc Hải (59 tuổi, ngụ ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) lại không được yên ả như nhiều gia đình khác ở vùng quê này.
Ngôi nhà cấp 4 được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đang là nơi che mưa nắng cho vợ chồng ông Hải, người em vợ bị bại liệt, cùng con gái, cháu ngoại 7 tháng tuổi. Gia đình ông có 5 người thì 2 người tàn tật, sống lay lắt qua ngày, có rau ăn rau, cháo ăn cháo.
Gia đình ông Hải sống dựa vào đồng lương ít ỏi của con rể đi làm xa gửi về (Ảnh: Bảo Kỳ).
Xuống thăm nhà vừa đúng lúc ông Hải xách xô ra đồng bắt cá. Quấn chiếc túi đựng cá vào eo, ông xách theo chiếc xô nhỏ rồi cầm nhánh trúc dò dẫm đường. Men theo con đường đầy rong rêu vì mưa, ông Hải tới con mương nhỏ cách nhà chừng 100m. Ông bảo mấy ngày nay nước sông lớn, khó mò cá nên nay ra mương “mót” xem còn cá, ốc gì không.
Nói rồi, ông cẩn trọng bước xuống giữa mương, tay mò mẫm tìm hang cá. Đi từ mương này sang mương khác, gần 1 tiếng đồng hồ, ông Hải thu hoạch được hơn nửa kilogam cá rô đồng, đủ cho cả nhà ăn nguyên ngày.
“Giờ già rồi tay chân không còn mau lẹ nữa, dễ hụt lắm. Đi bắt 4-5 tiếng chỉ được gần 2 kilogam cá là may mắn rồi. Tùy theo con nước mà cá ít, cá nhiều, tháng này nước đầy mò cá ít trúng”, ông Hải cho hay.
Đem mớ cá rô về nhà cho vợ chế biến, ông Hải có thời gian trải lòng về cuộc đời mình. Ông sinh ra trong gia đình nghèo đông anh chị em. Thuở niên thiếu ông mắc bệnh đau ban, do không có điều kiện chữa trị, di chứng căn bệnh khiến đôi mắt ông mù vĩnh viễn. Cứ vậy, hơn 30 năm qua ông Hải sống trong cảnh mù lòa, u tối không thể làm việc nặng nhọc như trước.
Chăm lo cho người em vợ bị liệt đôi chân
Được biết, ông Hải và gia đình bên vợ đều nghèo khó như nhau. Từ ngày lấy bà Thạch Thị Tha (59 tuổi), ông dọn về nhà gia đình vợ sinh sống cùng cha mẹ vợ và em vợ.
Ngày ông bà còn sống, ông chăm lo cho cả nhà, đến lúc cha mẹ vợ nhắm mắt xuôi tay, họ dặn dò ông ráng săn sóc người em vợ là Thạch Tâm (53 tuổi). Ông Tâm bị liệt đôi chân, đầu óc lúc nào cũng thẩn thơ nên trước nay chưa từng đi làm, sống nhờ vào người thân.
“Do người em vợ sống ở đây từ nhỏ tới lớn, tật nguyền nên chẳng làm lụng được gì. Ai cũng khó khăn thì ráng đùm bọc nhau mà sống, không thể bỏ nó bơ vơ được. Vợ chồng tôi chết đi rồi không biết ai lo cho nó đây”, ông Hải thở dài.
Ngày xưa, thời ông còn sức khỏe, mắt chưa mù, không xoay được nghề này, ông lại vật lộn với nghề kia, miễn sao có tiền lo cho vợ con sống được qua bữa, nhưng bây giờ, đôi tay của ông không còn nhanh nhẹn, đâu còn làm được việc nặng nhọc. Bà Tha thì già yếu lắm, đau ốm suốt.
Biết vợ bệnh mà không có tiền lo thuốc thang, ông Hải chỉ ứa nước mắt mà bất lực. Không tiền nên trong nhà thường xuyên bữa đói, bữa no…
Vốn dư được gần 100m2 đất nhưng vì nghèo túng ông Hải đành bán đi để lo bữa ăn từng ngày thế nên cả nhà sống trên miếng đất nhỏ eo hẹp.
Bà Tha thường hái rau dại để có bữa cơm ăn qua ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).
Thời gian chung sống, bà Tha sinh được người con gái duy nhất là chị Sơn Thị Cẩm Tú (22 tuổi). Do gia cảnh nghèo khó, chị Tú nghỉ học từ sớm đi làm phụ giúp gia đình.
20 tuổi, Tú lấy chồng và sinh con nên không thể phụ giúp cha mẹ được nữa. Hiện chị đang sống cùng cha mẹ, mỗi tháng chồng chị gửi tiền về đủ mua sữa, tã cho con.
Chị Cẩm Tú đợi khi con cứng cáp sẽ tìm việc làm phụ giúp gia đình (Ảnh: Bảo Kỳ).
Nói về hoàn cảnh của gia đình ông Hải, ông Huỳnh Hữu Lộc – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Mỹ cho biết, gia đình ông Hải thuộc hộ nghèo và là hộ khó khăn nhất của xã.
“Thỉnh thoảng có mạnh thường quân đến cho nhu yếu phẩm, ít tiền để gia đình xoay xở nhưng chỉ tạm thời. Căn nhà đang ở cũng đã xuống cấp, nhà sau dột nát nhưng ông bà cũng không có tiền sửa. Mong rằng bạn đọc báo Dân trí thấy được hoàn cảnh này và giúp đỡ cho gia đình ông Hải vượt qua khó khăn”, ông Lộc bày tỏ.