Người cha đã nói dối suốt 12 năm để hai đứa con ở nhà yên tâm học hành, cùng với đó là sự hối hận và day dứt lương tâm khi bị vướng vào vòng lao lý.

Nửa đêm một ngày giữa năm 2008, cơ quan công an ập vào nhà Vũ Quốc Hội (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lúc này người đàn ông mới biết được mình đã rơi vào cảnh không còn đường lùi. Hội có một nguyện vọng trước khi bị bắt đó là đừng làm kinh động đến những đứa trẻ. Nếu biết được bố phạm tội và bị bắt thì các con sẽ ám ảnh tâm lý, còn hàng xóm sẽ có lời vào tiếng vào.

Lúc bị còng tay đưa lên xe, Hội nghẹn ngào nói lời tạm biệt với vợ: “Thôi cố gắng nuôi dạy con khỏe mạnh, anh sẽ sớm về, yên tâm”. người vợ không chịu nổi cú sốc tinh thần, ngất lịm.

Lời nói dối 12 năm “bố đi công tác xa”

Thời điểm Hội vướng vào lao lý, đứa con trai cả lúc đó đang học hết lớp 1 (SN 2000), đứa nhỏ mới 4 tuổi (SN 2004), tương lai của những đứa trẻ còn dài và thênh thang phía trước. Vì thế, anh đã nói dối rằng mình đi công tác xa nhà để con trai yên tâm học hành, đó là cách duy nhất mà một người cha có thể “bảo vệ” các con trước sóng gió cuộc đời và lỗi lầm do mình gây ra.

Hội cũng gửi lời dặn dò bố mẹ và người thân hai bên nội ngoại phải che giấu giùm mình, nếu các con có hỏi đến thì cứ nói rằng mình đi làm ăn xa nhà. Và lời nói dối đó đã kéo dài đằng đẵng gần 12 năm trời, đến lúc con trai lớn thi đậu Đại học, người cha mới cho con biết sự thật.

Phạm nhân kể, năm 2015, khi đang thụ án được 7 năm thì nhận được thư của con trai gửi bố, cầm lá thư với những nét chữ ngây ngô của con trai viết cho mình, anh vô cùng bồi hồi xúc động. Lá thư đó cũng chính là món quà quý giá tiếp thêm sức mạnh to lớn để anh có thể sống tiếp những ngày tháng còn dài phía trước.

“Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2015

Bố kính yêu!

Đã 7 năm rồi con chưa được gặp bố, con nhớ bố lắm nhưng con cũng quen rồi. Con biết rằng ở trong Nam, bố đang rất vất vả để trả nốt món nợ. Ở trong đó sức khỏe bố ổn chứ, cơ thể còn khỏe mạnh như trước không?…

Cuối thư, con chúc bố khỏe mạnh, thành đạt và cố gắng thu xếp công việc rồi trở về với chúng con sớm nhất có thể.

Con trai của bố”

Mỗi khi nhớ con và suy sụp tinh thần tưởng chừng muốn gục ngã, Hội lại mang ảnh của con ra để nhìn ngắm. Trong thâm tâm anh gào thét từng cơn khi lúc đó không thể chạm vào các con bằng da bằng thịt, mà chỉ có thể nhìn con thông qua tấm ảnh và gặp con trong những giấc mơ.

Từng đồ vật, lá thư bên ngoài gửi vào anh đều nâng niu giữ gìn, xem đó như một động lực để tiếp tục cải tạo thật tốt.

Dù đang ở trong tù nhưng anh vẫn luôn nghe ngóng tin tức và tình hình của các con thông qua những lần nói chuyện điện thoại. Hội vẫn nhớ rõ tháng 6/2019 là thời gian đứa con trai lớn thi xong tốt nghiệp cấp 3, sau đó thì thi đậu một lúc 3 trường đại học.

Ngày 2/9/2019, phạm nhân quyết định thú thật với con trai lớn về lời nói năm xưa, bố đi công tác làm việc xa nhà chỉ là một lời nói dối, sự thật là bố đang ở tù. “Lúc nói ra điều này, bản thân tôi rất xấu hổ và có lỗi với con trai, sâu tận đáy lòng vô cùng hối hận khi đã để gia đình mình chia ra như thế này”, anh chia sẻ.

Cùng năm đó người cha cũng nói cho đứa con nhỏ về bí mật mà bấy lâu che đậy.

Khi người vợ dẫn con trai lớn vào thăm tù, lúc hai mẹ con bước vào, anh vừa thấy là đã nhận ra đó là con trai cả của mình, đứa trẻ năm nào giờ đã trở thành một chàng trai cao lớn, rắn rỏi. Thằng bé nhìn bố một cách bình tĩnh, sau khi cất hai túi đồ xong thì lao đến ôm chặt bố.

Khoảnh khắc gặp con, anh cố gắng kiềm chế và dặn lòng không được rơi nước mắt, thế nhưng tình thương và nỗi nhớ khiến vỏ bọc hình tượng người cha vững chãi cuối cùng cũng sụp đổ. Đôi mắt anh rưng rưng, tiếng nấc và tiếng khóc của hai cha con nghẹn ngào như thay lời muốn nói suốt quãng thời gian dài đằng đẵng không được gặp nhau.

Không gian trại giam bỗng nhiên im ắng lạ thường, chỉ có tiếng nức nở của người trong cuộc vang lên. Bình thường ở nơi đây, mọi người chỉ có thể “giao tiếp” bằng luật lệ. Ấy thế mà giây phút gia đình phạm nhân gặp gỡ, người đàn ông với đôi mắt đã in dấu thời gian dường như đã phá vỡ mọi quy tắc để tuôn trào cảm xúc.

Trong tâm cả hai cha con điều ngầm hiểu rằng cuộc gặp mặt này sẽ chấm dứt cho lời nói dối đã gần 12 năm. Người con liền thổ lộ những lời đã giấu kín từ sâu thâm tâm để bố vơi bớt đi nỗi day dứt: “Thôi bố, con biết rồi. Con biết không phải bố đi công tác, nếu bố đi công tác thì 1 – 2 năm bố cũng phải về thăm mẹ con con, nhưng thấy mọi người giấu nên con cũng xuôi theo”.

Người vợ tảo tần chờ đợi chồng trở về đoàn tụ

Là một người chồng nhưng lại không làm tròn trách nhiệm cho gia đình, trong lòng Hội vô cùng ân hận nhưng cũng cảm thấy may mắn khi có người vợ “trọn vẹn cả đôi đường”.

Lúc Tòa tuyên án 26 năm tù, Hội nói với vợ: “Em còn trẻ, tuổi xuân thì có hạn, em không nên chờ đợi anh nữa. Anh không trách móc gì em cả. Anh thành thật xin lỗi em. Em hãy đi bước nữa đi vì anh 26 năm không biết có về được hay không, mà nếu có về được cũng già rồi”.

Trong suốt thời gian chồng bị bắt giam, người vợ phải đóng vai trò trụ cột gia đình, vừa chăm sóc bảo ban hai con nhỏ, vừa phải làm tròn trách nhiệm hai bên nội ngoại.

Người phụ nữ ấy lăn lộn ngoài xã hội với đủ nghề để kiếm ăn, lúc thì lấy hàng ở chợ Đồng Xuân về bán, xong lại đi làm giúp việc. Nhiều lúc chị buồn tủi vì không còn có chồng ở bên cạnh.

Phạm nhân Hội chia sẻ: “Tết năm nào vợ cũng về Thái Bình ăn tết với ông bà nội ở quê rồi quà cáp cả đôi bên chu đáo, nếu có ma chay hiếu hỷ, hai bên nội ngoại thì cô ấy đều chu đáo cả”.

Những ngày tháng ở trong tù, chưa có giây phút nào anh thôi ngừng nghĩ về vợ và hai con, nhớ lắm nhưng phạm nhân chỉ để vợ mỗi năm vào thăm một lần.

Thượng úy Lê Văn Trúc – Cán bộ giáo dục phân trại số 2, trại giam Thanh Cẩm (Cẩm Thành, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nói: “Phạm nhân Vũ Quốc Hội được tôi cũng như Hội đồng giám thị trại giam gặp gỡ, động viên, hướng cho phạm nhân ổn định tâm lý, cải tạo tốt. Từ đấy, phạm nhân đã xác định được tư tưởng và hướng chấp hành án của mình. 

Hiện tại, phạm nhân Hội đang nằm trong 3 người trong Ban Thường trực thi đua và cũng là Trưởng tiểu ban lao động đời sống của phạm nhân. Phạm nhân Hội luôn là một người năng nổ, có trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được cán bộ giao”.

Đã chấp hành án được 14 năm, cùng với đó, Hội đã được nhiều lần giảm án tổng cộng lên tới hơn 7 năm vì cải tạo tốt. Chỉ còn hơn 4 năm nữa, Hội sẽ được trở về với gia đình. Tâm sự về việc đầu tiên mà anh muốn làm sau khi ra tù là bù đắp cho vợ con những thiếu thốn mà bản thân không làm được và thăm người thân hai bên nội ngoại. Điều thứ hai là tìm việc làm. “Nếu chưa làm được gì, tôi sẽ chạy xe ôm để có thu nhập thêm cho vợ con đỡ khổ”, Hội nói.

Hội đang trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Anh cho rằng, khi trả xong bản thân sẽ cảm thấy thanh thản và sẽ làm một người công dân lương thiện.“Ngày ấy cũng thanh niên trai tráng đầu xanh, lúc đi 31 tuổi, bây giờ tôi 45 tuổi rồi….”.